TPHCM: Điều tra việc bán thuốc điều trị Covid-19 tại “chợ đen”

GD&TĐ - Trước thông tin về việc thuốc kháng viru Molnupiravir đang được tiêu thụ trên các “chợ đen”, Thanh tra Sở Y tế cùng với Công an TPHCM cho biết sẽ vào cuộc điều tra và xử lý vi phạm nếu có.

Thuốc chống đông máu Lovenox được các cá nhân rao bán trên mạng.
Thuốc chống đông máu Lovenox được các cá nhân rao bán trên mạng.

“Thuốc chợ đen” xuất phát từ nhu cầu quá lớn

Để giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, từ đầu tháng 8 TPHCM đã cho phép F0 không triệu trứng được điều trị tại nhà. Để bảo đảm việc điều trị F0 tốt, giảm thiểu rủi ro, TP cũng đồng thời triển khai thí điểm trao túi thuốc an sinh đến tận nhà F0 tại một số quận từ giữa tháng 8. Nhờ đó trong thời gian qua hơn 100.000 F0 điều trị tại nhà ở TPHCM khá yên tâm và chủ động trong việc tự điều trị.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM, thuốc điều trị F0 tại nhà bao gồm 3 gói: A, B, C. Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và nâng cao thể trạng, dùng trong 7 ngày, gồm: Paracetamol (uống 1 viên khi sốt) và các loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin C (uống 2 lần/ngày).

Gói thuốc B dùng trong 3 ngày bao gồm các loại thuốc kháng viêm và kháng đông, các thuốc này chỉ được dùng khi F0 cảm thấy khó thở (nhịp thở nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 dưới 95%) và chưa liên hệ được bác sĩ.

Sau 3 ngày, cần có ý kiến bác sĩ về việc có dùng tiếp các thuốc này hay không. Gói thuốc C dùng trong 5 ngày, đây là thuốc kháng virus Molnupiravir được chỉ định với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, cần có cam kết khi sử dụng thuốc.

Trong đó, thuốc kháng virus Molnupiravir là thuốc được sử dụng dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trước nhu cầu lớn của người dân, loại thuốc trên cùng các loại thuốc tương tự (có tác dụng chống đông máu) vẫn được nhiều người lén lút kinh doanh mua bán trên các hội nhóm kín, các “chợ đen” thuốc tây trên mạng xã hội.

Trước khi Công an TPHCM phát đi thông tin sẽ điều tra và xử lý nghiêm hành vi mua bán thuốc thuộc danh mục kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế vào tối 21/9, trên các hội nhóm kín vẫn thấy nhiều cá nhân chào bán các loại thuốc trên. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm các thông tin liên quan đến việc mua bán gần như biến mất không dấu vết.

Anh Trần Thanh V - ngụ tại TP Thủ Đức - một F0 thể nhẹ (tự test và phát hiện) đang tự điều trị ở nhà cho biết mình đã tiêm 1 mũi vắc-xin nên khi phát hiện dương tính Covid-19 anh cũng không quá hoang mang. Tuy nhiên, do không trình báo với chính quyền địa phương nên anh tự tìm mua các loại thuốc cần thiết để điều trị bệnh trong đó có thuốc kháng virus Molnupiravir.

“Qua sự giới thiệu của một người quen tôi đã vào một Hội nhóm chuyên kinh doanh thuốc với hơn 18.000 thành viên. Ngay khi đặt vấn đề về việc cần mua thuốc kháng virus Molnupiravir tôi đã được nhiều cá nhân gọi điện thoại chào bán với giá từ 800.000 - 1,3 triệu đồng/hộp. Và đúng như lời cam kết thuốc về nhà trong vòng 48 tiếng sau khi thỏa thuận”, anh V cho biết.

Tìm hiểu thực trên các diễn đàn và hội nhóm chúng tôi nhận thấy có tình trạng ngầm mua bán các loại thuốc kháng virus Molnupiravir, kháng đông máu Lovenox ở vài nơi. Mức giá bán không được công bố và chỉ được người bán trực tiếp trao đổi giá qua điện thoại nhưng giá bán thì không rẻ chút nào.

Tại một nhóm công khai có tên “Chợ thuốc” trên Facebook, chúng tôi vẫn ghi nhận vẫn có người rao bán thuốc kháng đông máu Lovenox. Đây là thuốc không nằm trong danh mục khuyến nghị điều trị của Bộ Y tế (Bộ Y tế khuyến nghị dùng 2 loại thuốc kháng đông máu là Rivaroxaban và Apixaban).

Một hộp thuốc được người bán chào giá từ 350.000 - 500.000 đồng/hộp. “Cứ cho địa chỉ và chuyển đặt cọc, thuốc sẽ đến nhà sau 24 giờ”, người bán khẳng định chắc nịch.

Đang phối hợp với công an TP để điều tra

Ghi nhận có hiện tượng “chợ đen” lén bán thuốc kháng virus Molnupiravir, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết đang tích cực cùng Công an TP rà soát thông tin, điều tra làm rõ.

Thuốc C rao bán trên mạng xã hội theo bác sĩ Châu chính là thuốc kháng virus có tên Molupiravir. Đây là thuốc được sử dụng dưới sự kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế nên chỉ những bệnh nhân F0 đang điều trị Covid-19 dưới sự quản lý và giám sát của hệ thống Y tế TP mới được cấp phát, sử dụng vì thuốc chưa được lưu hành công khai.

Thông tin về công tác quản lý thuốc kháng virus Molupiravir, công tác kiểm soát và phát thuốc cho bệnh nhân F0, bác sĩ Châu cho biết: Về nguyên tắc, khi phát thuốc cho F0 sử dụng, nhân viên y tế phải giải thích rõ ràng cho bệnh nhân sử dụng thuốc, người dùng thuốc phải ký vào biên bản đồng ý sử dụng mới được cấp thuốc.

“Sau khi người bệnh đồng ý sử dụng, cơ sở y tế địa phương sẽ quản lý tất cả danh sách những người uống thuốc C này, theo dõi mỗi ngày. Ngoài ra, ở một số địa bàn trọng điểm còn có sự theo dõi của các bác sĩ, chuyên gia tại Trường ĐH Y Dược TPHCM.

Như vậy, theo nguyên tắc, gói thuốc Molupiravir khi sử dụng dù ở cộng đồng hay tại các bệnh viện dã chiến đều phải được quản lý chặt, có đầy đủ danh sách. Nếu như sử dụng không hết thuốc thì phải trả về cho Sở Y tế quản lý”, bác sĩ Châu khẳng định.

Hiện tượng thẩm lậu thuốc điều trị Covid-19, thuốc được quảng cáo điều trị Covid-19 (như thuốc Liên hoa thanh ôn) từ biên giới tràn vào TPHCM được ghi nhận thường xuyên. Đơn cử, ngày 9/9 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP và Công an Quận 8 kiểm tra xe tải do một nam tài xế điều khiển.

Qua kiểm tra, công an thu giữ 400 hộp thuốc nhãn hiệu Trung Quốc (tên Liên hoa thanh ôn). Tiếp tục khám xét kho hàng tại Quận 8 trong đường dây, Công an thu giữ thêm 9.200 hộp thuốc cùng loại, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Trước đó, giữa tháng 8/2021, Cục Quản lý thị trường TP phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ số lượng lớn thuốc tân dược nhập lậu sau khi kiểm tra căn nhà nằm trong hẻm đường An Dương Vương, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.

Số thuốc bị bắt giữ lên tới 67.200 viên không có hóa đơn, chứng từ và xuất xứ. Toàn bộ lô thuốc này có tên là Liên hoa thanh ôn, bao bì toàn chữ Trung Quốc, được chủ hàng khai mua từ một người phụ nữ ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với giá 78.000 đồng/hộp để đem về TP bán kiếm lời.

Để chấn chỉnh hoạt động cấp phát thuốc điều trị tại nhà cho F0, cũng như ngăn chặn những hành vi lén lút nhập lậu, mua bán thuốc điều trị Covid-19 chưa được cấp phép, TPHCM đã lập 8 đoàn kiểm tra tại các cơ sở y tế về vấn đề cấp phát gói thuốc A, B, C.

Đặc biệt, ngày 21/9, Sở Y tế TP cũng ban hành văn bản  để nhắc lại vấn đề sử dụng, quản lý chặt các gói thuốc kháng virus Molnupiravir. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế TP cũng đề nghị Công an TP HCM tìm hiểu, điều tra và xử lý những vi phạm về việc bán thuốc Molnupiravir nếu có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.