TPHCM đến năm 2025 không còn hộ nghèo

GD&TĐ - TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo tiêu chuẩn của thành phố.

Cán bộ khu phố ở TP Thủ Đức thống kê người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để nhận gói hỗ trợ. Ảnh: Lê Nam
Cán bộ khu phố ở TP Thủ Đức thống kê người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để nhận gói hỗ trợ. Ảnh: Lê Nam

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 06/2023 ngày 12/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 13/2020 về Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021-2025 của HĐND TPHCM

Kế hoạch này nhằm thực hiện đồng bộ, toàn diện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, thiết thực; góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoàn thành mục tiêu của chương trình và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hơn 15.000 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM sẽ thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,35%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,2%/năm.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến 15.144 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM sẽ đưa ra nhiều chương trình, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo.

Thành phố sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo như hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đa dạng hóa sinh kế; nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho vay vốn.

Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm, gồm công việc trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng được chú trọng.

Ngoài ra, TPHCM sẽ hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ nhà ở...cho những hộ nghèo, cận nghèo.

Các chính sách hỗ trợ về giáo dục như hỗ trợ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố; hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên người dân tộc thiểu số, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo...cũng được thành phố ban hành.

Bên cạnh đó, TPHCM còn triển khai hàng loạt chính sách, giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội khác như: Trợ cấp khó khăn, hỗ trợ hỏa táng phí, hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn, hỗ trợ tiền điện, chính sách chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

TPHCM còn hơn 39.000 hộ nghèo, cận nghèo

Theo Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM, đến cuối năm 2022, thành phố đã giảm hơn 16.100 hộ nghèo (giảm 0,64%), giảm hơn 9.700 hộ cận nghèo (giảm 0,38%).

Đến cuối tháng 7/2023, toàn thành phố còn hơn 39.000 hộ nghèo, cận nghèo với hơn 155.000 nhân khẩu.

Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM cho biết, trong năm 2023, thành phố sẽ huy động hơn 10.200 tỷ đồng thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn.

Trong đó, nguồn bổ sung mới là hơn 2.100 tỷ đồng gồm: Bổ sung từ nguồn ngân sách thành phố, các quận, huyện và TP Thủ Đức cho nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi là 1.669 tỷ đồng; chi cho chính sách hỗ trợ không hoàn lại gần 420 tỷ đồng; kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững các cấp gần 16 tỷ đồng.

Một người dân ở khu trọ tại TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Một người dân ở khu trọ tại TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Các chính sách, giải pháp của thành phố theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo.

Chính quyền thành phố sẽ tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận tốt nhất dịch vụ xã hội cơ bản cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng cuộc sống, đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Những giải pháp trên được TPHCM đưa ra nhằm hoàn thành chỉ tiêu giảm hộ nghèo là 0,38%/tổng số hộ dân; giảm hộ cận nghèo là 0,28%/tổng số hộ dân trong năm 2023.

TPHCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2023, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã mua và cấp hơn 300.000 thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo, với hơn 300,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chương trình giảm nghèo đã hỗ trợ hơn 86.000 lượt hộ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn, với trị giá hơn 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho hơn 302.000 lượt hộ, trị giá hơn 45,6 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ