TPHCM: Đấu thầu khai thác tuyến xe buýt tiết kiệm hàng nghìn tỷ

GD&TĐ - Bốn trong 90 tuyến xe buýt trợ giá đã có đơn vị trúng thầu khai thác với giá 130 tỷ đồng trong 5 năm.

Một tuyến xe buýt có trợ giá đang đón khách tại trung tâm TPHCM.
Một tuyến xe buýt có trợ giá đang đón khách tại trung tâm TPHCM.

Theo Sở GTVT, nếu đấu thầu toàn bộ 90 tuyến xe buýt trợ giá thành công, ngân sách bù lỗ của TP sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng.

Cuối tháng 4/2020, Sở GTVT đã bàn giao 4 tuyến xe buýt cho doanh nghiệp trúng thầu để bắt đầu khai thác. Đây được xem là bước khởi đầu nhiều thuận lợi cho mục tiêu xã hội hóa và kêu gọi nhiều thành phần kinh tế tham gia khai thác. Nó cũng giúp nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng của TP trong tương lai.

Thống kê của Sở GTVT TPHCM, toàn TP hiện nay có khoảng 127 tuyến xe buýt (gồm 90 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến xe buýt không trợ giá) với 2.261 phương tiện tham gia hoạt động.

Mỗi năm TP trợ giá hơn 1.000 tỷ đồng cho xe buýt nhưng lượng khách đi xe các năm gần đây đều giảm. Từ con số 305 triệu lượt khách của năm 2012, đến năm 2018 gần 290 triệu lượt, năm 2019 còn 255 triệu lượt.

Đặc biệt, trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng khách đi xe buýt giảm còn 148 triệu lượt hành khách (giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019). Theo đó, các tuyến xe buýt có trợ giá đạt 106,4 triệu lượt, giảm 39,44% so với cùng kỳ.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động vận tải xe buýt, Sở GTVT TPHCM đã trình UBND TP cho đề xuất triển khai đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên 90 tuyến xe buýt đang được trợ giá, với 4 tuyến thí điểm đấu thầu đầu tiên (tuyến số 1, 15, 65, 152).

Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo - Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM cho biết, sự cải tiến dịch vụ giao thông công cộng xe buýt là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM. Do đó, việc lựa chọn đơn vị đấu thầu có năng lực là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng xe buýt trong thời gian tới.

“Trước đây hoạt động đấu thầu các tuyến xe buýt có trợ giá đã được triển khai, tuy vậy sau 2 lần mời thầu nhưng không có đơn vị nào tham gia nên tạm dừng. Qua đánh giá, nguyên nhân chính là thời gian thực hiện hợp đồng đấu thầu ngắn nên các đơn vị, thành phần kinh tế không mặn mà.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM đã nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng (KPI - hệ thống chỉ số đo lường hiệu suất) để áp dụng vào các tuyến đấu thầu, cũng như gia tăng thời gian khai thác.

Kết quả, liên danh Bảo Yến (HTX số 28) đã trúng thầu và đảm nhận khai thác 4 tuyến này trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/5/2021 với mức chi phí là 130 tỷ đồng” - bà Thảo chia sẻ.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT nhìn nhận cơ chế đấu thầu là động lực phát huy tính cạnh tranh. Nó giúp lựa chọn được đơn vị có năng lực và quy mô, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của người dân mà giá vé không thay đổi. Đồng thời, giảm số tiền ngân sách TPHCM phải bù lỗ hàng năm.

Theo Tiến sĩ Trần Quang Huy - chuyên gia chính sách phát triển kinh tế, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, việc tổ chức đấu thầu xe buýt là hướng đi tốt. Nó tạo tiền đề để TP hướng đến việc định hình và xây dựng được các doanh ngiệp vận tải hành khách công cộng chuyên nghiệp.

Mặt khác, việc đẩy mạnh xã hội hóa toàn bộ hoạt động vận tải hành khách công cộng sẽ mang đến nguồn thu cho TP, giảm bội chi ngân sách và chi phí bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng/năm cho xe buýt như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ