TPHCM còn vướng trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

GD&TĐ - Hiện nay chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn kịp thời, nên đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại TPHCM vẫn còn vướng. 

Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM. (Ảnh: Thành Nhân).
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM. (Ảnh: Thành Nhân).

'Luật Đấu thầu số 22 năm 2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Tuy nhiên, hiện chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn kịp thời, dẫn đến chậm tiến độ mua sắm thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế công lập', bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM phát biểu tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM ngày 15/8.

Tiếp tục chờ thông tư hướng dẫn

Bà Như cho biết, năm 2023, nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu hụt thuốc và vật tư y tế. Sau hàng loạt giải pháp, quyết sách của Chính phủ và các bộ ngành, các bệnh viện phần nào tháo gỡ được nút thắt trong đấu thầu mua sắm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số bệnh viện, cơ sở y tế vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Thời gian chờ ban hành các hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu đến nay, về cơ bản, TPHCM vẫn đủ thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị.

Một số thuốc bị gián đoạn tạm thời đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua sắm bổ sung bằng nguồn cung ứng khác hoặc sử dụng các phác đồ điều trị thay thế.

“Ngoài thiếu thông tư hướng dẫn, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và sản xuất thuốc. Tại một số thời điểm, nguồn cung ứng thuốc bị ảnh hưởng của dịch bệnh và các cuộc xung đột trên thế giới. Do đó, việc thiếu hụt thuốc có thể xảy ra khi nhu cầu thuốc tăng đột biến như các đợt bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng...”, bà Như thông tin.

Theo bà Như, nhiều trường hợp thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, nhất là đối với thuốc phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt do một số nguyên nhân.

Đơn cử như thuốc không sẵn có trên thị trường và thường chưa có số đăng ký lưu hành trong khi nhu cầu thường phát sinh đột xuất. Thuốc có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên nên ít được sản xuất. Thuốc có giá thành rất cao trong khi có nhu cầu sử dụng thường rất thấp và nguy cơ hủy thuốc cao sau mua sắm nếu không có ca bệnh sử dụng nên các cơ sở y tế không mua dự trữ, đại diện Sở Y tế TPHCM chia sẻ.

Thành lập các tổ công tác cung ứng thuốc

Để đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, hỗ trợ tích cực giúp đơn vị giải quyết các trường hợp khó khăn, vướng mắc, Sở Y tế thành phố đã thành lập các tổ công tác liên quan đến việc cung ứng thuốc như Tổ hỗ trợ công tác cung ứng thuốc tại các đơn vị, Tổ bảo hiểm y tế, Tổ công tác triển khai các quy định về đấu thầu thuốc.

80fa6f973550910ec841.jpg
Bệnh nhân làm thủ tục tại quầy thông tin Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. (Ảnh: H.T).

Bên cạnh đó, ngành y tế thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý khẩn trương triển khai công tác mua sắm thuốc ngay khi có Nghị định và Thông tư hướng dẫn về đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Các đơn vị chủ động giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu”.

“Sở Y tế TPHCM triển khai chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn với mục đích có thể tìm kiếm nhanh nhất các thuốc cấp cứu đang tồn kho tại các cơ sở y tế; từ đó điều chuyển ngay đến nơi đang cần thuốc”, bà Như nói.

Ngoài ra, đối với thuốc hiếm, các đơn vị chủ động lập kế hoạch đấu thầu mua sắm, dự trù đơn hàng nhập khẩu để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Sở Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế duyệt các đơn hàng nhập khẩu như Globulin và Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng nặng, dung dịch cao phân tử Dextran điều trị sốc sốt xuất huyết.

“Cuối cùng là trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tham mưu UBND trình Hội đồng nhân dân về triển khai thí điểm dự trữ cơ số các nhóm thuốc cấp cứu, thuốc hiếm cho nhu cầu cấp bách để có thể điều tiết sử dụng ngay khi phát sinh ca bệnh cần điều trị”, bà Như nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ