TPHCM chính thức cho phép xây dựng công trình trên một phần đất nông nghiệp

GD&TĐ -Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 23/10/2024 và không áp dụng cho đất trồng lúa.

TPHCM chính thức cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp
TPHCM chính thức cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa ký Quyết định số 90/2024 của UBND TPHCM về sử dụng một phần diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 90/2024 gồm lán, trại, kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động.

Tuy nhiên, để được xây dựng, thửa đất nông nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất. Diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng rộng từ 500 m2 trở lên, có thể là một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người.

Diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tối đa 1% tổng diện tích đất nhưng không vượt quá 50 m2. Công trình chỉ được xây 1 tầng, chiều cao đỉnh mái tối đa 5m, không có tầng hầm.

fc8d9a7cd903615d3812-1720-6813.jpg
Để được xây dựng, thửa đất nông nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất. Diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng rộng từ 500 m2 trở lên.

Về kết cấu, công trình phải có kết cấu bán kiên cố. Cụ thể, tường gạch hoặc tường vật liệu nhẹ; cột gạch hoặc cột thép, cột sắt; mái vật liệu nhẹ.

Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng) và được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng).

78faf034b34b0b15525a-1414-6343.jpg
Công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 90/2024 gồm lán, trại, kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động.

UBND cấp huyện sẽ là đơn vị chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình theo quy định.

Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, công trình đê điều, diện tích đất nông nghiệp liền kề và không vi phạm lộ giới đường hiện hữu theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ đầu tư chấp hành việc tháo dỡ không điều kiện và không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại theo quy định, hoặc trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định, hoặc cho đến khi thửa đất nông nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.

Quy định trên có hiệu lực kể từ ngày 23/10/2024 và không áp dụng cho đất trồng lúa, vì diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa được thực hiện theo nghị định riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.