TP.HCM: Bố trí lệnh ca, chia đôi phòng chấm thi để đảm bảo phòng dịch Covid-19

GD&TĐ - Tại TP.HCM, 20 tổ chấm thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được bố trí lệch ca (mỗi ca lệch nhau 30 phút) để thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.

Xét nghiệm Covid-19 cho ban làm phách, giáo viên phục vụ công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM ngày 9/7. Ảnh minh họa
Xét nghiệm Covid-19 cho ban làm phách, giáo viên phục vụ công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM ngày 9/7. Ảnh minh họa

Thực hiện việc chấm thi môn Ngữ văn ở TPHCM có 20 tổ (18 giám khảo/tổ), mỗi tổ chia thành 2 phòng (dưới 10 giám khảo/phòng), tương đương với phòng giám khảo 1 và giám khảo 2. Quá trình sinh hoạt chung thống nhất đáp án cũng được triển khai theo từng phòng, thực hiện giãn cách.

Các quy tắc về phòng, chống dịch tại hội đồng chấm thi được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai nghiêm ngặt, chặt chẽ đến từng cán bộ, giám khảo tham gia chấm thi.

Giám khảo chấm thi sẽ được chia theo ca để đến hội đồng, chấm theo nhóm tổ chấm, thời gian mỗi ca lệch nhau 30 phút. Giờ ăn trưa, giờ ra về của các tổ chấm cũng được bố trí lệch giờ, tránh tập trung đông, đảm bảo giãn cách.

Khi đến hội đồng chấm, giám khảo vào điểm chấm thi bằng 1 cổng, phải trình phiếu tham gia xét nghiệm Covid-19, được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Ra về, giám khảo sẽ di chuyển theo 2 cổng để đảm bảo giãn cách.

Trong quá trình chấm thi, giám khảo bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch như tuân thủ quy tắc 5K, đeo khẩu trang, găng tay và kính chắn giọt bắn suốt thời gian làm việc, giữ đúng khoảng cách khi giao tiếp, không tập trung quá số người quy định tại mỗi phòng chấm thi.

Hội đồng chấm thi có nhân viên y tế túc trực, được khử khuẩn vệ sinh liên tục trong suốt thời gian công tác chấm thi diễn ra.

Một giám khảo chấm môn Ngữ văn tại TP.HCM cho biết, cứ 3 ngày, giáo viên chấm thi được xét nghiệm tầm soát Covid-19 một lần. Theo giám khảo này đánh giá, công tác phòng dịch rất nghiêm túc, đảm bảo an toàn, giúp các giám khảo yên tâm trong công tác chấm thi.

Về quá trình chấm, giám khảo này chia sẻ thêm, phổ điểm phần đọc hiểu chủ yếu là 2,25 – 2,5. Thí sinh mất nhiều điểm ở câu 3 và không đạt mức tối đa ở câu 4.

Phần nghị luận xã hội phổ điểm trung bình là 1,25-1,5. Đa phần thí sinh đưa được các dẫn chứng về tuyến đầu chống dịch và viết khá tốt.

Phần nghị luận văn học đã xuất hiện ngày càng nhiều bài viết tốt, giàu cảm xúc, diễn đạt tinh tế, mượt mà, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận văn học và có liên hệ sáng tạo. Phổ điểm phần này không khác nhiều so với mọi năm: 2,5-3,0.

Trong hơn 1 tuần chấm thi, đã xuất hiện rải rác các bài trên 8 và có cả bài 9 điểm. Dự kiến phổ điểm không chênh lệch nhiều so với các năm: 6,25-6,75. Việc chấm thi ở tổ giám khảo này chấm đã hoàn tất khoảng 2/3 số lượng bài thi.

Liên quan đến việc chấm thi trong bối cảnh TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Sở GD-ĐT đã điều động gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác, bắt đầu từ ngày 9/7 cho đến 24/7 dự kiến hoàn tất.

Thi đợt 1 tại TP.HCM, môn Ngữ văn có 82.978 thí sinh dự thi, môn Toán có 85.927 em. Đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên môn Vật lý có 86.943 thí sinh dự thi; môn Hóa học có 82.978; môn Sinh học có 85.927.

Ở tổ hợp Khoa học xã hội, môn Lịch sử có 50.599 thí sinh dự thi; môn Địa lý có 51.404; môn Giáo dục công dân có 50.981.

Môn Ngoại ngữ có 75.959 thí sinh dự thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.