Số trường hợp mắc Covid-19 tăng lên hơn 22.000 ca chỉ trong 10 ngày
Ngày 9/7, ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, tính hết ngày 09/7, có 10.614 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 09/7); trong đó: 10.363 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 251 trường hợp nhập cảnh.
Sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, báo cáo của HCDC ngày 19/7 cho biết, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến sáng nay (19/7), TP đã có gần 33.000 trường hợp mắc Covid-19.
Như vậy chỉ trong 10 ngày, số trường hợp mắc Covid-19 tại TP tăng lên hơn 22.000 ca mắc. Vì sao?
Thông tin tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn chiều tối 16/7, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết, trong khoảng thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị 16 từ 0h 9.7, ngành Y tế tiến hành các công tác truy vết, tìm F0 trong cộng đồng, đặc biệt chiến dịch xét nghiệm tầm soát diện rộng trên phạm vi toàn thành phố.
Cũng theo ông Nam, với phương án xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, số ca bệnh phát hiện tăng. Thời gian tới, nhận định khống chế được dịch bệnh, số ca có xu hướng giảm.
Dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã đạt đỉnh?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh nhận định, trong vài ngày tới, tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên một thời gian nữa, sau đó sẽ giảm xuống.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã sàng lọc các trường hợp F0 tại những vùng có nguy cơ rất cao. Tuy nhiên, vẫn cần phải sàng lọc thêm lần nữa để phát hiện trường hợp F0 càng nhanh càng tốt.
Việc thực hiện Chỉ thị 16 trên một địa bàn rộng lớn như TP Hồ Chí Minh có rất nhiều khó khăn. TP Hồ Chí Minh cũng phải chuẩn bị các phương án, trong đó có cả phương án kéo dài một số nội dung theo Chỉ thị 16 trên địa bàn để đảm bảo phòng chống dịch thắng lợi. Tuy nhiên, qua theo dõi 1 tuần vừa rồi tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy các biện pháp của chính quyền, hệ thống chính trị ở đây được tăng cường rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, nỗ lực của lực lượng y tế trong công tác xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ cao và công tác theo dõi F1, F0 bằng xét nghiệm real-time RT-PCR cũng đã được thực hiện nhanh hơn, với số lượng ngày càng tăng.
Về việc lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng khi TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết ngành y tế TP đang tập trung lấy mẫu trọng tâm, trọng điểm. Vùng lõi nguy cơ cao sẽ tập trung lấy trước, sau đó mở rộng ra khu vực bên ngoài.
Nếu lấy hết được mẫu vùng lõi thì thời gian tới lấy ra vòng ngoài là vòng nguy cơ. Số này theo nguyên tắc chắc chắn sẽ giảm xuống. Mục tiêu của chúng ta trong đợt dịch này là cố gắng tách nhóm F0 ra khỏi cộng đồng dân cư.
Sử dụng 3 khu nhà tái định cư làm bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung
UBND TP Hồ Chí Minh thống nhất đưa 3 khu nhà tái định cư tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức với hơn 2.600 căn hộ làm bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung.
3 khu nhà này gồm khu D07 và các lô chung cư R4, R5 nằm hoàn toàn trên địa bàn phường An Khánh thuộc TP Thủ Đức, với tổng số 2.650 căn hộ.
Trong đó, khu R4, R5 có 11 block chung cư với 1.570 căn hộ sẽ được sử dụng làm khu cách ly tập trung. Khu D07 với 1.080 căn hộ được sử dụng làm bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị bệnh nhân dương tính Covid-19.
Đây là các lô chung cư tái định cư trong gói 12.500 căn hộ tái định cư thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng chưa được bố trí sử dụng, đang chờ để đưa ra bán đấu giá.
Trước đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã sử dụng một số lô chung cư tái định cư ở khu vực này làm bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị những ca dương tính với Covid-19.
Bệnh viện điều trị đang quá tải, thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế
Tại cuộc họp sáng 17/7, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - cho biết TP đang điều trị 20.800 trường hợp dương tính, trong đó 306 ca đang thở máy, 8 trường hợp cần can thiệp ECMO.
Theo ông Phong, quan tâm lớn nhất của TP hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn tử vong. TP đã làm việc với Sở Y tế chỉ đạo rà soát và hoàn thiện tiếp nhận F0 và chuyển bệnh nhân về bệnh viện điều trị Covid-19.
TP cũng đã tiếp nhận chi viện từ các tỉnh thành với 172 y, bác sĩ từ Hà Nam, Thái Bình…
Đến nay, TP đã lấy 1,9 triệu mẫu xét nghiệm PCR tại khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, có 250.000 mẫu đang chờ kết quả. Test nhanh đã thực hiện khoảng 1,2 triệu test.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết tình hình dịch bệnh tại TP diễn biến phức tạp. Số ca F1, F0 ngày càng tăng, không chỉ ở nơi phong tỏa mà còn ở ngoài cộng đồng, khu công nghiệp có đông công nhân.
Hệ thống y tế nhiều nơi đã quá tải, thiếu nhân lực, trang bị y tế. TP cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Bộ Y tế để tăng cường nguồn nhân lực, chuẩn bị bệnh viện dã chiến và trang thiết bị.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, với số lượng F0 tăng nhanh, việc điều phối đến các bệnh viện chưa đáp ứng vì khả năng cung ứng cơ sở vật chất, giường bệnh cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của việc chậm này được chỉ ra do hầu hết bệnh viện dã chiến được thành lập từ các khu tái định cư nên cần phải sửa chữa, nâng cấp. Dù ngành Y tế thành phố đã nỗ lực phối hợp với các sở, ngành để mở rộng các bệnh viện dã chiến, đồng thời chuyển đổi công năng của các bệnh viện nên số giường bệnh lên đến khoảng 20.000 giường.
Theo ông Nam, Sở Y tế cũng đang có kế hoạch mở rộng thêm 50.000 giường, từ đó có thêm giường bệnh, thêm cơ sở vật chất. Đây cũng là hướng khắc phục, giải quyết vấn đề quá tải và chậm chuyển bệnh nhân đến khu vực điều trị.
Về việc huy động lực lượng y tế cho bệnh viện điều trị đang quá tải, TP Hồ Chí Minh nhận được sự hỗ trợ của Bộ Y tế cùng các tỉnh, thành. Hiện, thành phố sử dụng nguồn nhân lực của thành phố cũng như nguồn nhân lực tăng cường để tham gia công tác phòng chống dịch từ lấy mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết đến việc phục vụ trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức Covid-19.
Sở Y tế điều phối nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo nhân sự hoạt động tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, sinh viên y khoa ở các trường đại học cũng tham gia công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại cuộc họp sơ kết sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho biết Thực hiện chỉ thị 16, đời sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn khiến lực lượng phòng, chống dịch lúng túng, trong đó có vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm và vận chuyển hàng hóa…
Ông Nên yêu cầu lực lượng chức năng cần linh động, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đến đời sống người dân. Ông nêu ví dụ trường hợp nhóm người tổ chức buôn bán, lực lượng chức năng đã ngăn chặn. Tuy nhiên người dân cho rằng họ làm từ thiện giúp người nghèo chứ không buôn bán.
Trong trường hợp này, lực lượng chức năng phải giải quyết thấu đáo, lắng nghe người dân; vận động để người dân hiểu vấn đề quan trọng hàng đầu là đảm bảo việc giãn cách xã hội; hạn chế tối đa các trường hợp gây bức xúc trong nhân dân.
Bí thư Thành ủy nhận định an dân là rất quan trọng. Người dân đang gặp sức ép lớn khi giãn cách xã hội, TP phải kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Những quy định cần rõ ràng để người dân không lúng túng khi thực hiện, gây bức xúc.
Thực phẩm thiết yếu tại TP vẫn khan hiếm
Những ngày vừa qua, các mặt hàng khan hiếm chủ yếu là lương thực, thực phẩm rau, củ, trứng gia cầm...
Trong ngày 15/7 trên địa bàn có 48 chợ truyền thống còn hoạt động, đến 16/7 chỉ còn 46 chợ truyền thống. Với năng lực cung ứng hàng hoá của chợ truyền thống có hạn, tuỳ mặt hàng, giá bán tăng lên đến 60%. Số lượng chợ giảm hoạt động, đè nặng lên hệ thống phân phối, khiến người dân xếp hàng vào siêu thị mua sắm. Năng lực cung ứng các hệ thống siêu thị hiện tại đã tăng lên tối đa.
Những câu chuyện xếp hàng không mua được rau, đặt đơn online bị hủy... đã và đang diễn ra như cơm bữa tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Nhiều người dân phản ánh rằng, các siêu thị ở nhiều quận, huyện luôn trong tình trạng "cháy hàng" các mặt hàng như trứng gia cầm, rau xanh,... đặc biệt ở những nơi không có siêu thị lớn mà chỉ dựa vào một số cửa hàng tiện lợi nhỏ.
Các mặt hàng thực phẩm khan hiếm, giá lại tăng cao khiến cuộc sống của nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn hơn.
Lý giải về giá thực phẩm tăng mạnh, bà Dung, một tiểu thương buôn bán thực phẩm tại chợ Thảo Điền, TP Thủ Đức cho rằng, do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nên nguồn hàng vận chuyển khó khăn, nhất là mặt hàng rau củ quả và thủy hải sản, kéo theo giá nhập tăng so với bình thường nên người bán hàng cũng phải tăng giá để có lời.
Tại cuộc họp sơ kết 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, về cung ứng hàng hóa, sức mua tại chợ truyền thống ngày 16-7 giảm 10%, do người dân ít ra ngoài, giá chợ cao hơn so với siêu thị. Mãi lực tại các siêu thị cũng giảm 5-10%, không còn tình trạng xếp hàng ùn ứ như các ngày trước.
Hiện nay Sở Công thương đang kết hợp các quận huyện tổ chức lại chợ với hình thức phân ô kẻ vạch.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Giao thông Vận tải và 19 tỉnh khu vực phía Nam hôm 13/7, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho hay một số địa phương đang quy định lái xe đi qua vùng có dịch bệnh phải cách ly 7 ngày, 14 ngày, thậm chí 21 ngày.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho biết quá trình lưu thông hàng hóa qua các tỉnh, thành phía Nam vẫn còn một số bất cập; trong đó cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Dầu Giây vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc do lực lượng kiểm tra y tế mỏng...
Thời gian hiệu lực xét nghiệm âm tính Covid của các đại phương chưa thống nhất, như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh là 3 ngày; Long An 5 ngày; Đồng Nai 7 ngày. Việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng test nhanh và PCR cũng chưa thống nhất, gây khó khăn lái xe khi vận chuyển hàng hóa.
TP Hồ Chí Minh đầy ắp tình người trong những ngày giãn cách
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 16/7, TP đã chi hỗ trợ cho 220.000/232.000 người với 330 tỉ đồng cho người lao động gặp khó khăn, lao động tự do. Các quận huyện cũng chủ động vận động nguồn lực xã hội với hơn 100 tỉ đồng để chăm lo kịp thời cho người dân.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều người lao động mất việc, nhiều người dân lay lắt sống lo từng bữa ăn. Trong những ngày giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh, nhiều nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm đã chung sức giúp đỡ người vô gia cư, lao động khó khăn những suất ăn đầy nghĩa tình, ấm lòng người dân tâm dịch.
Áp dụng biện pháp giãn cách mạnh hơn nếu số F0 vẫn tăng cao
Hôm nay 19/7, không riêng TP Hồ Chí Minh, mà 19 tỉnh, thành phía nam bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trước tình hình F0 vẫn tăng cao, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã phải đưa ra kịch bản xấu nhất là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát, thành phố phải tính tới khả năng áp dụng biện pháp giãn cách mạnh hơn nữa.
Tại cuộc họp sơ kết 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16 tại TP Hồ Chí Minh, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá trong những ngày qua, TP đã nỗ lực rất lớn, đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên vẫn còn những khiếm khuyết như tập trung đông người...
Về số ca mắc tăng, Phó thủ tướng cho rằng TP nên xem xét nếu trong 1 tuần nữa số ca mắc vẫn tăng, tỉ lệ tử vong tăng thì khó lòng chống dịch theo chỉ thị 16 được.
"Theo báo cáo, số ca F0 không có biểu hiện trên 80%, số bệnh nặng trên 1.000 người. Nếu như chúng ta không kéo giảm được thì xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần lễ nữa, quyết liệt để giải quyết dứt điểm.
Từ nay đến khi chấm chứt thời hạn thực hiện chỉ thị 16, các cơ quan của TP tập trung đánh giá kỹ để có quyết sách phù hợp. Nếu có 50.000 F0, chúng ta có thực hiện mãi như thế này được không? Chúng ta phải tính chiến lược này", ông Bình nhấn mạnh.