Dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh trong vài ngày tới sẽ ra sao?

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, với việc tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Bộ Y tế hy vọng đỉnh dịch Covid-19 của TP Hồ Chí Minh sẽ giảm dần.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đánh giá về xu hướng tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, thông tin trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong vài ngày tới, tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh có thể sẽ đi ngang hoặc đi lên một thời gian nữa, sau đó sẽ giảm xuống.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã sàng lọc các trường hợp F0 tại những vùng có nguy cơ rất cao. Tuy nhiên, vẫn cần phải sàng lọc thêm lần nữa để phát hiện trường hợp F0 càng nhanh càng tốt.

Việc thực hiện Chỉ thị 16 trên một địa bàn rộng lớn như TP Hồ Chí Minh có rất nhiều khó khăn. 

TP Hồ Chí Minh cũng phải chuẩn bị các phương án, trong đó có cả phương án kéo dài một số nội dung theo Chỉ thị 16 trên địa bàn để đảm bảo phòng chống dịch thắng lợi.

Tuy nhiên, qua theo dõi 1 tuần vừa rồi tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế nhận thấy các biện pháp của chính quyền, hệ thống chính trị ở đây được tăng cường rất mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Nguồn: Báo Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Nguồn: Báo Chính phủ.

Bên cạnh đó, nỗ lực của lực lượng y tế trong công tác xét nghiệm đối với các khu vực nguy cơ cao và công tác theo dõi F1, F0 bằng xét nghiệm Real-time RT-PCR cũng đã được thực hiện nhanh hơn, với số lượng ngày càng tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, với việc tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Bộ y tế hy vọng đỉnh dịch của TP Hồ Chí Minh sẽ giảm dần. Khi bắt đầu giảm dần, Bộ y tế cũng sẽ đề xuất Thành phố không nên dừng đột ngột Chỉ thị 16 mà phải giảm từng bước, để đưa về trạng thái bình thường mới.

Cũng trong giai đoạn này, không chỉ sàng lọc, truy vết, phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch mà TP Hồ Chí Minh còn phải tăng cường nguồn điều trị, khu thu dung bệnh nhân cũng như chuẩn bị các trang thiết bị đầy đủ. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin thêm, nếu tính đến phương án điều trị 30.000 bệnh nhân thì TP Hồ Chí Minh vẫn có thể đáp ứng được, với điều kiện có sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị vật tư của Trung ương.

Tuy nhiên, Thành phố cũng đã chủ động xây dựng kịch bản điều trị cho khoảng 100.000 bệnh nhân. Đây là kịch bản hết sức khó khăn.

Trong điều kiện này, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà Trung ương cũng cần có biện pháp cụ thể để hỗ trợ Thành phố.

Tình hình dịch tiếp tục gia tăng, kéo dài, phức tạp, nhất là phía Nam

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố hôm 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, đang đối mặt với sự bùng phát rất phức tạp, có thể gia tăng nhiều trường hợp mắc và tử vong trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhận định, đợt dịch này sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. Biến chủng Delta có lây lan nhanh, tốc độ tấn công tăng gấp 2-3 lần so với trước, do tốc độ bám dính đối với tế bào vật chủ, khả năng nhân lên nhanh với số lượng lớn trong tế bào dẫn đến việc phá huỷ tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn.

Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán.

Bộ trưởng cũng phân tích, với tốc độ lây lan nhanh của biến chủng, trong đợt dịch này, chỉ 1 người trong nhà nhiễm là hầu như các thành viên trong gia đình nhiễm.

Dù đã có các biện pháp quyết liệt, cố gắng nhưng Bộ trưởng đánh giá "chưa được như mong muốn, đòi hỏi sự cố gắng hơn". Người đứng đầu ngành Y tế tiên lượng tình hình dịch tiếp tục gia tăng, kéo dài, phức tạp nhất là các tỉnh phía Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.