Các trạm này thành lập theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế để kịp thời quản lý, điều trị các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà.
Chiều 20/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các quận vừa khánh thành và đưa vào hoạt động 2 trạm y tế lưu động đầu tiên tại Quận 3 và Quận 7.
Tại Quận 3, Trạm y tế lưu động đặt ở Trung tâm văn hóa phường 11 (địa chỉ số 933 đường Hoàng Sa).
Còn tại Quận 7, trạm được đặt tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (số R6, đường Đặng Đại Độ, phường Tân Phong).
Đây là mô hình Trạm y tế lưu động đầu tiên của thành phố nhằm chủ động tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19 tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị; giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3; giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.
Thông tin trên báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Trạm y tế lưu động là mô hình mới tại thành phố được thành lập và hoạt động theo chỉ đạo của Bộ Y tế, có vai trò quan trọng trong việc thí điểm chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19 tại nhà, đồng thời thực hiện chăm sóc sức khỏe và điều trị nhiều bệnh lý khác cho người dân địa phương do Trung tâm Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quận trực tiếp chỉ đạo quản lý.
Hiện mỗi phường đều đã có Trạm y tế, tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh bùng phát thì với mô hình Trạm y tế lưu động, có thêm một cơ sở để giúp cho ngành y tế của quận, đặc biệt là phường, xã có sẵn lực lượng nhằm quản lý, theo dõi, khám điều trị cho người mắc Covid-19 tại nhà.
Mỗi Trạm y tế lưu động sẽ quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 người mắc Covid-19.
Các bác sỹ và điều dưỡng ở Trạm y tế lưu động đều có số điện thoại của từng trường hợp người mắc Covid-19 trên địa bàn và mỗi ngày sẽ liên lạc, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Qua đó, sàng lọc những trường hợp có nguy cơ và tổ chức thăm khám tận nhà; trao tặng túi thuốc y tế chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19 mà Sở Y tế đã hướng dẫn cho toàn ngành thực hiện.
Hiện Sở Y tế sẽ cấp trước 20 túi thuốc cho mỗi trạm lưu động, sau đó sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới để phát cho F0. Túi thuốc gồm có các loại thuốc không kê toa và thuốc có chỉ định, nước súc miệng, dung dịch khử khuẩn và khẩu trang. Ngoài ra còn có máy đo chỉ số oxy SpO2 tại nhà để F0 tự đo thường xuyên mỗi ngày, ác định được mức độ nguy hiểm và yêu cầu can thiệp kịp thời.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ngày 19/8 có văn bản khẩn gửi UBND và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cùng các quận, huyện về việc triển khai các trạm y tế lưu động.
Nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết, Sở Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.