TP Hồ Chí Minh: Khách sạn hạng sang bị “bão Covid-19” cuốn phăng

GD&TĐ - Không thể chịu đựng nổi với tình trạng đóng cửa dài ngày vì dịch Covid-19, số khách sạn ở TP Hồ Chí Minh được rao bán trên các diễn đàn nhà đất nhiều chưa từng thấy.

Khách sạn 4 sao Grand Silverland tại đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TPHCM đang được rao bán giá 950 tỉ đồng.
Khách sạn 4 sao Grand Silverland tại đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TPHCM đang được rao bán giá 950 tỉ đồng.

Không chỉ các khách sạn nhỏ, Homestay rao bán như đợt dịch đầu, hiện nhiều khách sạn hạng sang tại trung tâm TP cũng rơi vào vòng xoáy “thoát thân” trong đợt dịch này.

Nhiều khách sạn nghìn tỉ được rao bán

Thời điểm này không khó để tìm thấy các thông tin rao bán, sang nhượng lại khách sạn tại TP Hồ Chí Minh trên các diễn đàn, trang mạng môi giới bất động sản. Chỉ cần gõ cụm từ “cần bán nhanh khách sạn tại TP Hồ Chí Minh” trên google, người có nhu cầu dễ dàng nhận về hàng chục nghìn kết quả tìm kiếm cho thông tin trên.

Khác với 3 đợt dịch trước, các thông tin rao bán khách sạn chủ yếu ở phân khúc thấp và tầm trung với tầm giá từ 10 - 50 tỉ đồng là nhiều thì ở đợt dịch thứ 4 này, thông tin về các khách sạn hạng sang (4 - 5 sao) được rao bán với tầm giá từ 300 - 1.100 tỉ đồng nổi lên dày đặc trên các diễn đàn mua bán bất động sản.

Đơn cử như trên trang alonhadat.com.vn, những mẩu tin rao bán khách sạn tại trung tâm TP Hồ Chí Minh (Quận 1, 3, 5) nhiều nhan nhản. Một khách sạn hạng sang trên đường Thi Sách, Quận 1, TPHCM được người môi giới tên Thanh Mẫn rao bán với giá 1.100 tỉ đồng.

Tương tự, một loạt khách sạn 4 sao tại các trục đường “kim cương” ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh như Thủ Khoa Huân, Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Trãi được rao bán với mức giá từ 800 - 1.200 tỉ đồng.

Theo anh Nguyễn Khánh Phương - chuyên gia môi giới khách sạn khu vực Quận 1 cho biết: Đợt dịch thứ 4 này đã đập nát gần như mọi cố gắng của các chủ khách sạn 3 - 4 sao tại TP Hồ Chí Minh khi chi phí hàng tháng phải bù lỗ quá lớn khiến họ không thể chịu đựng thêm được nữa.

“Từ sau Tết đến giờ, các chủ khách sạn trên gần như không có doanh thu nhưng chi phí duy trì mỗi tháng dù cắt giảm tối đa cũng là rất lớn. Số lượng khách sạn hạng sang gửi tôi nhờ môi giới chuyển nhượng tăng hàng ngày theo tiến trình TP chống dịch dù chủ các khách sạn trên toàn là đại gia tầm cỡ.

Hiện chỗ tôi đang có trên dưới 50 khách sạn 3 - 4 sao ký gửi. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 lớn đến thế nào với người kinh doanh dịch vụ lưu trú hiện nay” - anh Phương cho biết.

Là người buộc phải rao bán khách sạn sau gần 1 năm cầm cự, chống chọi với sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Lê Ái V - chủ một khách sạn 4 sao trên đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ sau Tết đến giờ, khách sạn của bà gần như không nhận được khách nào (chủ yếu phục vụ khách quốc tế) do Việt Nam “đóng băng” việc tiếp nhận du khách quốc tế. Vì vậy, gia đình đã phải cân nhắc và tính toán kỹ trước khi ra quyết định bán khách sạn.

“Việc bán khách sạn một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một phần do gia đình đã không thể gồng gánh thêm được các chi phí phát sinh dù nhân viên đã cho nghỉ gần hết. Mặt khác, việc bán khách sạn để gia đình tôi thu hồi vốn, chuyển hướng kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 không biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt” - bà V chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy: Do tác động của dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2021, TP chỉ đón trên 7,1 triệu lượt khách nội địa, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu ước đạt 35.581 tỉ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2021, TP có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động, cơ sở lưu trú hạng 4 và 5 sao/ tương đương hoạt động cầm chừng.

Doanh thu của khách sạn 5 sao giảm hơn 80%, dịch vụ ăn uống giảm hơn 60%, số lượng lao động giảm hơn 40%; khách sạn 4 sao giảm hơn 70%, doanh thu dịch vụ ăn uống, hội nghị giảm hơn 75%, số lượng lao động giảm hơn 50%; khách sạn 3 sao giảm hơn 80%, nhiều đơn vị tạm ngưng nhận khách để giảm chi phí tối đa.

Một loạt khách sạn giá sấp xỉ 1.000 tỉ được rao bán đầy trên mạng.
Một loạt khách sạn giá sấp xỉ 1.000 tỉ được rao bán đầy trên mạng.

Cần những chính sách hỗ trợ đi vào thực tế hơn

Dịch Covid-19 hoành hành đã gián tiếp kéo lùi sự tăng trưởng của ngành du lịch - dịch vụ lưu trú. Tuy vậy, điều đáng nói, trải qua 4 đợt dịch nặng nề các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (cho vay lãi xuất 0%) gần như không đến được với đại đa số các nhà đầu tư dịch vụ trên đã khiến những gắng gượng của họ không thể lâu được hơn nữa.

Thực tế, với bối cảnh cả thế giới đang quay cuồng với biến thể mới Delta thì việc phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch theo nhiều chuyên gia chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được “miễn dịch cộng đồng”. Điều này, theo tính toán của nhiều nước, dự kiến nhanh nhất là vào đầu năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Là người từng 3 lần nộp đơn xin xét duyệt vay 50 tỉ đồng theo diện DN khó khăn vì Covid-19 ở gói 62.000 tỉ đồng, ông Lê Hoành L, chủ khách sạn 4 sao trên đường Bùi Thị Xuân, Quận 1 ngao ngán nói: Tiền thì có đấy, chính sách thì có đấy nhưng để được vay thì khó hơn lên trời.

“Các thủ tục xét duyệt vay theo gói 62.000 tỉ của Chính phủ thì tôi không cần nói thêm vì các báo đã thông tin nhiều, cái vướng không chỉ đến từ khâu thẩm định hồ sơ, xét duyệt đối tượng, công tác thẩm định tài sản, dự án (đảm bảo việc trả nợ)… mà nó “tắc” từ chính hệ thống triển khai cấp TP. Hồ sơ trả đi trả về, rồi bổ sung mệt mỏi vẫn không thể vay nên thôi tôi từ bỏ và rao bán khách sạn nhằm cắt lỗ và thu hồi vốn” - ông L nói.

Đánh giá về hiện tượng hàng loạt khách sạn 4 - 5 sao tại trung tâm TPHCM rao bán, TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cho rằng đây là hiện tượng lạ, chưa từng có nhưng trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 hiện nay, điều này là chuyện không thể khác.

Theo TS Hiển, ở TP Hồ Chí Minh, những cung đường như Thủ Khoa Huân, Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân, Thi Sách, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn được mệnh danh là những cung đường hoa lệ (rất đắt đỏ) chuyện những khách sạn đẳng cấp nơi đây rao bán, sang nhượng gần như là chuyện rất hiếm khi xảy ra bởi những khách sạn ấy chẳng khác gì những cái máy in tiền.

“Thực tế, chủ những khách sạn hạng sang trên những cung đường trên không phải là những người có tiềm lực tài chính yếu. Họ rất nhiều tiền là khác nên không có chuyện họ dễ dàng buông bỏ khách sạn của mình khi thị trường lưu trú mới đóng băng hơn một năm.

Việc hụt nguồn tài chính có thể đến từ việc các chủ khách sạn quá tự tin vào tài sản họ đang có nên mua nhiều bất động sản khác để đầu tư, thậm chí là vay nhiều. Giờ khách sạn không có nguồn thu, họ không thể xoay ra tiền giải ngân cho khoản vay của ngân hàng nên phải bán khách sạn để cân đối dòng tiền và bảo toàn vốn” - TS Hiển nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc tham gia các giải chạy hoặc tập các môn thể thao cần phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và tính chất công việc. Ảnh: H.Y

Hiểm họa từ tập thể dục quá sức

GD&TĐ - Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.