Theo kế hoạch xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 của Sở GD&ĐT, phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 30% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tăng 18,7 % so với năm 2016).
Cụ thể, tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 11,3% (năm 2016) lên 13,5% (năm 2017); tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 13,5% (năm 2017) lên 18% (năm 2018); tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 18% (năm 2018) lên 24% (năm 2019); tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia từ 24% (năm 2019) lên 30% (năm 2020).
Để thực hiện mục tiêu trên, giải pháp đưa ra là thực hiện phối hợp với các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non đảm bảo quy chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Kiểm tra, rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 02/2014/TTBGDĐT về ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đối với các trường đã đăng ký.
Thực hiện tốt công tác quản lý: đảm bảo có đầy đủ thủ tục pháp lý, chủ quyền sử dụng đất, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kịp thời sửa chữa, duy tu; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ, nâng cao tỷ lệ đội ngũ có trình độ chuyên môn trên chuẩn.
Tổ chức các chuyên đề, duy trì và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư và góp phần xây dựng phát triển nhà trường.
Phát huy vai trò của hội đồng giáo dục, phối hợp của các ngành, các cấp, các lực lượng đoàn thể, xã hội trong việc huy động trẻ đến trường, duy trì sỉ số, thực hiện tốt công tác tuyển sinh trên từng địa bàn.
Quan tâm, giúp đỡ và sẵn sàng hỗ trợ các trường mầm non ngoài công lập phấn đấu đạt chuẩn quốc gia.
Tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia hàng năm và 5 năm.