UBND TP HCM vừa phê duyệt dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa trên địa bàn theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BOO) do Công ty TNHH Thường Nhật đề xuất. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP là đơn vị được giao chủ trì, hướng dẫn các cơ quan liên quan thực hiện dự án.
Giảm áp lực giao thông đường bộ
Theo quyết định được phê duyệt, dự án sẽ đi qua các tuyến: Sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, kênh Tàu Hủ và rạch Bến Nghé. Cụ thể, tuyến số 1 dài 10,8 km, xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, ra lại sông Sài Gòn đến khu vực thuộc phường Linh Đông (quận Thủ Đức) và ngược lại. Tuyến này có 7 bến đón, trả khách đặt tại các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Tuyến thứ hai dài 10,3 km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 6) và ngược lại. Tuyến này cũng có 7 bến đón, trả khách được đặt tại các quận 1, 4, 5, 6 và 8. Riêng bến trung tâm của dự án sẽ đặt tại quận Thủ Đức.
Bến Bạch Đằng sẽ là một điểm đón, trả khách trong tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, dự án còn xây dựng khu vận hành bảo dưỡng phương tiện, khu neo đậu tập kết phương tiện về đêm, nhà vệ sinh, ki-ốt kinh doanh dịch vụ... Riêng bến Bạch Đằng, nhà đầu tư sẽ sử dụng bến do TP quy hoạch và xây dựng để làm bến đón, trả khách.
Dự kiến các công trình sẽ hoàn thành vào năm 2016. Giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư 10 phương tiện có sức chứa tối thiểu 60 chỗ, giai đoạn tiếp theo đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.
Chất xúc tác cho du lịch
Theo đề án, sau khi đi vào hoạt động, giao thông đường thủy sẽ hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải, giảm ô nhiễm khí thải nội đô. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, dự án còn giúp tận dụng được hệ thống kênh, rạch chằng chịt trên địa bàn TP mà trước nay đang bỏ phí, thúc đẩy sớm làm sạch hệ thống kênh, rạch; tạo điều kiện hình thành hệ thống du lịch khu vực ven sông.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định việc hình thành 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trong giai đoạn đầu sẽ rất ít khách vì so với phương tiện giao thông bộ, loại hình này không thuận tiện bằng, mất nhiều thời gian và rủi ro cao.
Do đó, để phát triển giao thông thủy nội địa, TP cần xây dựng các phương tiện hỗ trợ đồng bộ như xe buýt, xe điện kết nối với các bến đón, trả khách đi đường thủy để tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Theo đại diện Sở GTVT, đây chỉ mới là giai đoạn bước đầu của dự án. Sau khi được UBND TP phê duyệt sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Quận Thủ Đức phải bàn giao 3 ha đất
Để dự án triển khai sớm, UBND TP HCM đã giao Sở GTVT chịu trách nhiệm hướng dẫn các sở - ngành, thỏa thuận với Công ty TNHH Thường Nhật về việc giao đơn vị này lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Về mặt bằng thực hiện dự án, ngoài các khu đất nằm trên hành lang bờ sông, kênh, rạch, UBND quận Thủ Đức phải bàn giao khoảng 3 ha đất tại số T.21, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh để xây dựng bến trung tâm. UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nhà đầu tư công tác bồi thường giải mặt bằng, thực hiện các thủ tục giao, thuê đất các khu bến bãi đón trả khách theo đúng quy định.
Tổng vốn dự kiến của dự án là 128 tỉ đồng. Nguồn thu để hoàn vốn chủ yếu từ hoạt động bán vé nên chủ đầu tư phải bảo đảm nguồn thu đủ bù đắp chi phí hoạt động. Ngân sách TP không cấp bù nếu doanh thu không đạt.