'Tổng thống Zelensky dùng chiêu cuối với Mỹ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Washington Post, Tổng thống Zelensky thúc ép các nhà lập pháp Mỹ viện trợ thêm, nếu không Ukraine có thể nhân nhượng Nga, kể cả lãnh thổ.

Tổng thống Ukraine Zelensky tại Nhà Trắng ngày 12/12.
Tổng thống Ukraine Zelensky tại Nhà Trắng ngày 12/12.

Kế sách mới

Hôm 12/12, Tổng thống Zelensky nói với các thượng nghị sĩ Mỹ ở Washington rằng quân đội của ông sẽ có thể nhượng một phần lãnh thổ cho Nga mà không cần thêm viện trợ nếu Mỹ không viện trợ thêm cho Kiev.

Theo báo Mỹ, mặc dù ông Zelensky đã đảm bảo trước Quốc hội Mỹ rằng Ukraine sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc chiến dù không có sự hỗ trợ quân sự bổ sung, nhưng ông nói, quân đội Ukraine chắc chắn sẽ nhượng bộ "kẻ thù được trang bị tốt hơn nhiều".

Tổng thống Zelensky đã không đạt được bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán với Quốc hội Mỹ vốn vẫn bế tắc trước yêu cầu tài trợ bổ sung cho Kiev của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng sau cuộc hội đàm với Zelensky ở Washington, ông Biden nói rằng chính quyền của ông sẽ chấm dứt khả năng giúp đỡ Ukraine trừ khi Quốc hội phê duyệt các khoản tài trợ bổ sung cho Ukraine.

Chuyến thăm 'nhuốm màu tuyệt vọng'

Chuyến thăm của Tổng thống Zelensky tới Washington hôm 12/12 là lần thứ hai lãnh đạo Ukraine tới Quốc hội Mỹ trong ba tháng qua. Theo mô tả của báo Mỹ, lần này, sự tiếp đón dành cho ông từ phía đảng Cộng hòa tương đối lạnh nhạt, đặc biệt ở Hạ viện.

Chuyến công du của ông, do Nhà Trắng sắp xếp trong bối cảnh Ukraine tiến gần tới bờ vực cạn nguồn vũ khí và tài chính, diễn ra đúng lúc Đồi Capitol đối mặt nhiều bất đồng về viện trợ cho Ukraine.

Các thành viên đảng Cộng hòa đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden siết chặt các biện pháp kiểm soát nhập cư ở biên giới phía nam, coi đó như điều kiện để thông qua đề xuất viện trợ mới của ông, điều mà Nhà Trắng kiên quyết bác bỏ.

Sau cuộc trao đổi riêng với ông Zelensky, các thượng nghị sĩ Mỹ cho biết bài phát biểu của Tổng thống Ukraine đầy cảm xúc, nhưng dường như không thể tác động đến tình cảnh bế tắc ở Quốc hội Mỹ hoặc thúc đẩy họ phê duyệt viện trợ bổ sung trước khi các nhà lập pháp bước vào kỳ nghỉ cuối năm từ tuần tới.

Quốc hội Mỹ đến nay đã phê duyệt hơn 111 tỷ USD hỗ trợ Ukraine. Yêu cầu viện trợ bổ sung cho Ukraine của ông Biden là một phần trong gói ngân sách lớn hơn mà Nhà Trắng yêu cầu, trong đó gồm cả viện trợ cho Israel và giải quyết những thách thức về dòng người nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico.

Ông Zelensky còn gặp riêng các lãnh đạo Hạ viện, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson. Ông Johnson mô tả cuộc gặp diễn ra "tốt đẹp" và cho biết ông đã nói với lãnh đạo Ukraine rằng "chúng tôi sẽ sát cánh với ông ấy chống lại cuộc chiến của Nga".

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng nói rõ với Nhà Trắng rằng "an ninh biên giới của Mỹ là điều kiện tiên quyết của chúng tôi với bất kỳ gói viện trợ bổ sung nào". Ông khẳng định sẽ không có viện trợ cho Ukraine nếu Nhà Trắng không cải cách chính sách về biên giới.

Tại Đồi Capitol, tranh cãi này trở nên gay gắt. Tuần trước, ông Zelensky dự kiến phát biểu trực tuyến tại một cuộc họp của Hạ viện, nhưng sau đó hủy bỏ khi cuộc họp biến thành cuộc tranh cãi về chính sách biên giới của Mỹ và một số thành viên Cộng hòa giận dữ bỏ ra ngoài.

Cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức ngày 14/12 công bố nghiên cứu mới cho thấy cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Ukraine từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay chỉ đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. "Động lực viện trợ cho Ukraine đã giảm", Viện Kiel cho hay.

Mỹ là quốc gia viện trợ hàng đầu cho Ukraine và nếu Mỹ rút lui, khó có quốc gia nào khác có thể bù đắp khoảng trống, theo Viện Kiel. Các nhà phân tích cảnh báo bất kỳ sự suy giảm nào trong viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine cũng sẽ làm tê liệt nỗ lực chiến đấu của Kiev.

Sau cuộc gặp với ông Zelensky, Tổng thống Biden thông báo ông đã ký phê duyệt thêm 200 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, con số này có lẽ là quá ít so với mục tiêu hơn 60 tỷ USD mà lãnh đạo Ukraine kỳ vọng.

Anthony Zurcher, nhà bình luận của BBC đã mô tả chuyến thăm Mỹ "nhuốm màu tuyệt vọng" của Tổng thống Ukraine: "Ông Zelensky đã bay nửa vòng Trái Đất tới Washington, nhưng khả năng Ukraine nhận được thêm hỗ trợ quân sự từ Mỹ vẫn không cải thiện".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ