Không phải là 'phép thần'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các sở GD&ĐT về tăng cường quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Một trong những lưu ý đặc biệt trong công văn này là cơ sở giáo dục không được bố trí thời gian học kỹ năng sống chèn giữa các tiết học trong chương trình chính khóa.

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được Chính phủ và ngành GD-ĐT quy định, hướng dẫn qua Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014; Nghị định 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021; Chương trình GDPT 2018... Cùng với thực hiện xã hội hóa giáo dục, thời gian qua các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp với trung tâm, doanh nghiệp có chức năng để giáo dục kỹ năng sống theo nhu cầu người học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Các hoạt động hợp tác này góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho học sinh. Tuy vậy, thực tiễn phối hợp giữa nhà trường và trung tâm, doanh nghiệp còn tồn tại những hạn chế, dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt, trong đó nổi bật là tình trạng chèn các chương trình kỹ năng sống ngoài giờ vào giữa tiết chính khóa, nhất là ở cấp tiểu học tại các đô thị lớn.

Quy định của Bộ GD&ĐT là tiết học chính khóa bắt buộc nhà trường phải thực hiện, không được cắt xén, giảm bớt. Khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, định mức của giáo viên, còn thời gian trống mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Các trường bố trí học kỹ năng sống dịch vụ diễn ra trong giờ chính khóa có thể dẫn đến cắt xén chương trình.

Đặc biệt, việc chèn giờ đã tạo sức ép khiến phụ huynh bắt buộc phải đăng ký cho con tham gia các tiết học theo dịch vụ (vốn là tự nguyện), thêm nặng gánh chi tiêu. Cảnh tượng ngay trong buổi học chính khóa, nhiều học trò phải lủi thủi một mình, vì cha mẹ không có tiền đóng tiết học dịch vụ kỹ năng sống, đã gây bức xúc trong dư luận, dậy sóng cả diễn đàn Quốc hội.

Sắp xếp bố trí các buổi học kỹ năng sống dịch vụ ngoài giờ chính khóa là yêu cầu bắt buộc các trường phải thực hiện nghiêm túc, để bảo đảm tính tự nguyện theo quy định. Thế nhưng quan trọng hơn, các trường cần chủ động, linh hoạt dựa trên cơ sở điều kiện của mình, nỗ lực nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục kỹ năng sống trong chương trình.

Thực tế cho thấy không phải cứ ký dịch vụ với trung tâm, doanh nghiệp có chức năng, thì việc giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường hiệu quả, bởi chất lượng giảng dạy của nhiều đơn vị có vấn đề. Gần đây, Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo tạm dừng các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, bởi nhận thấy một số trung tâm thực hiện giảng dạy lĩnh vực này trong nhà trường chưa đảm bảo. Hơn nữa, chi phí cho các lớp học dịch vụ kỹ năng sống không nhỏ và không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện cho con đăng ký, nhất là gia đình ở nông thôn, vùng sâu, xa…

Nếu có điều kiện, dịch vụ kỹ năng sống với bên ngoài cũng tốt, nhưng chỉ là bổ trợ, hoàn toàn không phải “phép thần” để trò giỏi kỹ năng, bởi giáo dục kỹ năng sống là một quá trình, với sự phối hợp của nhiều bên, chứ không phải qua một vài giờ học.

Hiện, Chương trình GDPT 2018 rất rộng đất cho giáo dục kỹ năng sống và thực tế có nhiều trường học nỗ lực phát huy nội lực, linh hoạt triển khai giáo dục kỹ năng sống thông qua lồng ghép, tích hợp vào môn học, hoạt động trải nghiệm, với sự phối hợp chặt chẽ cùng gia đình, mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Đây mới là những mô hình cần nhân rộng, chứ không phải việc mở ngày càng nhiều lớp học kỹ năng sống dịch vụ trong nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ