Tổng thống Serbia: Mỹ có thể mua Nord Stream

GD&TĐ -Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 bị phá hoại ra đấu giá và công ty Mỹ sẽ thâu tóm được dự án trong vòng 1 năm tới.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trong một thông điệp mới gửi tới truyền thông Đức cho biết, ông tin rằng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream đã bị phá hoại trước đây sẽ được phía Mỹ thâu tóm chỉ trong vòng 1 năm tới.

Theo đó, ông Vucic cho biết, đường ống Nord Stream sẽ sớm được đưa ra đấu giá và công ty Mỹ sẽ nhanh chóng chớp được thời cơ này để hưởng lợi từ việc cung cấp khí đốt giá rẻ của Nga cho thị trường châu Âu.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Đức Handelsblatt được xuất bản vào ngày 27/12, ông Aleksandar Vucic nói rằng: “Tôi dám dự đoán: Chậm nhất là trong một năm nữa, Nord Stream sẽ thuộc sở hữu của một nhà đầu tư Mỹ, và khí đốt sẽ chảy từ Nga đến châu Âu qua đường ống này.”

"Hãy ghi nhớ lời tôi. Một năm nữa cho đến khi Nord Stream đi vào hoạt động!” - nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh.

Tháng trước, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng nhà tài chính và nhà đầu tư người Mỹ Stephen Lynch đã xin phép Bộ Tài chính Mỹ mua đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nếu nó được đưa ra đấu giá vào năm tới.

Đường ống được xây dựng để vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức và các nước Tây Âu khác đã bị vỡ do vụ nổ ở Biển Baltic vào tháng 9 năm 2022.

Ông Stephen Lynch đã đưa ra đề xuất rằng, một thỏa thuận về đường ống dẫn dầu của Nga có thể được coi là một cơ hội chiến lược cho lợi ích lâu dài của Mỹ. Quyền sở hữu đường ống sẽ cung cấp cho chính phủ Mỹ một công cụ để gây áp lực trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga nhằm chấm dứt xung đột Ukraine, ông nói với tờ báo Mỹ.

Lynch đã nói rằng ông có thể mua Nord Stream 2, dự án được định giá khoảng 11 tỷ USD, với "giá cực rẻ", đồng thời nói thêm rằng đây sẽ là "cơ hội ngàn năm có một" để Mỹ kiểm soát nguồn cung cấp năng lượng của EU.

Mặc dù không ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công đường ống năm 2022, các phương tiện truyền thông phương Tây đã đưa tin rằng một nhóm hoạt động đặc biệt có liên hệ với Ukraine đứng sau vụ việc. Phóng viên Mỹ Seymour Hersh đã tuyên bố rằng Hải quân Mỹ đã đặt thuốc nổ trên đường ống trong cuộc tập trận của NATO ở Baltic và lệnh phá hủy các đầu nối khí đốt là do Tổng thống Joe Biden đưa ra.

Gần đây nhất, một thuyền trưởng người Đan Mạch đã chia sẻ với tờ Politiken rằng ông đã đi thuyền ra địa điểm xảy ra vụ nổ và gặp các tàu chiến Mỹ trong khu vực xảy ra vụ nổ, nhưng thiết bị phát tín hiệu của chúng đã bị tắt.

Moscow tuyên bố rằng các cơ quan tình báo phương Tây, đặc biệt là của Mỹ, đã trực tiếp tham gia vào vụ phá hoại. Các công ty Mỹ đã hưởng lợi từ vụ tấn công này do họ là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu.

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga, Sergey Naryshkin, cho biết vào tháng trước rằng cơ quan của ông có thông tin về "sự tham gia trực tiếp" của các chuyên gia từ các cơ quan đặc biệt của Mỹ và Anh trong vụ phá hoại Nord Stream. London và Washington, cũng như Kiev, đã phủ nhận mọi sự tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ