Dự trữ khí đốt của Nga đã phải chịu áp lực vào mùa thu này do một loạt các điều kiện tiêu cực xảy ra như mùa đông lạnh giá bất thường kết hợp với nhu cầu gia tăng khi nền kinh tế Nga hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong cuộc họp với Giám đốc điều hành lâu năm Aleksey Miller của Gazprom, ông Putin cho rằng việc bơm thêm khí đốt sang Tây Âu sẽ cho phép Gazprom thực hiện các cam kết hợp đồng của mình một cách an toàn, ổn định và thường xuyên cho các đối tác châu Âu vào mùa thu và mùa đông.
Tổng thống Nga đặc biệt ra lệnh cho nhà điều hành tăng lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ của công ty ở 2 nước thành viên của EU là Đức và Áo theo lịch trình bắt đầu từ ngày 8/11. Vào thời điểm đó, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Nga dự kiến sẽ đủ. Theo ông Putin, những hành độg như vậy sẽ giúp “tạo ra một tình hình thuận lợi hơn trên thị trường năng lượng châu Âu”.
Tính đến giữa tháng 10, các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của EU chỉ đầy 71%. Những lo ngại dấy lên do thực tế là các kho chứa ít khí đốt. Đây cũng là là một trong những lý do khiến giá tăng lên, từ đó dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành khí đốt của EU.
Đầu tháng 10, giá khí đốt gần như đã vượt ngưỡng 2.000 USD/ 1.000 mét khối. Giá khí đốt cũng đã giảm sau khi Nga tuyên bố bán nhiều khí đốt hơn cho phần còn lại của châu Âu.
Mặc dù Gazprom đã đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng một số quốc gia châu Âu cho rằng Moscow đã tạo nên cuộc khủng hoảng. Trong khi đó mặc dù đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành gần đây và có thể được sử dụng để giảm bớt một số tình trạng thiếu khí đốt nhưng nó vẫn đang phải chờ chứng nhận sau nhiều năm bị Mỹ và đồng minh cản trở.
Hôm 26/10, Bộ Kinh tế Đức cho biết đã hoàn thành phân tích về an ninh nguồn cung cấp khí đốt. Họ cho rằng việc cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 không gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung khí đốt của Đức và EU.
Bộ Kinh tế Đức nói rằng phân tích trên được thực hiện trước khi tham vấn với các nước láng giềng trong EU.