Hãng RIA dẫn lời ông chủ Điện Kremlin cho rằng, Nga chưa bao giờ đe dọa bất kỳ ai ở Bắc Cực nhưng vẫn theo dõi sát sao những diễn biến và tình hình tại đây.
Ý tưởng sáp nhập Greenland của Tổng thống Donald Trump không phải là lời nói khoa trương mà là kế hoạch nghiêm túc. Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi ích của mình ở Bắc Cực.
Tổng thống Nga cho biết thêm, các nước NATO coi Bắc Cực là nơi diễn ra các cuộc xung đột tiềm tàng. Nga sẽ phản ứng với sự tham gia của Thụy Điển và Phần Lan vào các hoạt động của NATO.
Nga sẽ không cho phép bất kỳ sự xâm phạm nào vào chủ quyền của mình tại khu vực có ý nghĩa chiến lược này, ông Putin nhấn mạnh.
Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch chỉ trích những bình luận mới của ông Trump về Greenland là "hành động leo thang, không phù hợp với Tổng thống Mỹ".
"Những tuyên bố rất mạnh mẽ như vậy về đồng minh thân cận không phù hợp với Tổng thống Mỹ. Cần lên tiếng phản đối một cách rõ ràng với những gì tôi coi là hành động leo thang từ phía Mỹ. Những lời lẽ gay gắt đó hoàn toàn không thực tế", Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen nói với các phóng viên ở thủ đô Copenhagen, hôm 27 tháng 3.
Ông Poulsen đề cập những phát biểu được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trước đó một ngày, trong đó ông chủ Nhà Trắng lặp lại mong muốn tiếp quản Greenland. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ đi xa nhất có thể. Chúng ta cần Greenland và thế giới cần Mỹ có Greenland, kể cả Đan Mạch", ông Trump nói.
Bộ trưởng Poulsen khẳng định người dân Greenland mới có quyền quyết định tương lai của họ, trong khi Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ca ngợi cư dân hòn đảo vì đã "kháng cự mạnh mẽ" trước áp lực từ Mỹ.
"Mối quan tâm quá lớn và áp lực cũng vậy, nhưng chính trong những thời khắc như thế này, các bạn mới có thể thể hiện con người thật của mình. Các bạn không bị khuất phục và đã đứng lên vì chính con người mình, cho thấy bản thân ủng hộ điều gì. Tôi vô cùng coi trọng điều đó", bà Frederiksen cho hay.
Greenland, hòn đảo có dân số 57.000 người và diện tích khoảng 2,16 triệu km2, nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Bắc Mỹ tới châu Âu, khiến nó trở thành địa điểm chiến lược quan trọng với Washington. Greenland cũng có nguồn khoáng sản dồi dào, phần lớn chưa được khai thác.
Từ khi đắc cử cuối năm ngoái, Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh ông muốn Mỹ mua lại đảo Greenland từ Đan Mạch, không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, cả người dân Greenland và Đan Mạch đều khẳng định hòn đảo "không phải để bán".
Phái đoàn Mỹ, trong đó có Phó tổng thống JD Vance cùng Đệ nhị phu nhân Usha, đang thăm Greenland. Ông Vance có kế hoạch thăm căn cứ quân sự Mỹ đặt tại Pituffik, phía bắc hòn đảo, vào ngày 28 tháng 3.
Tổng thống Trump lập luận rằng căn cứ Pituffik và cả Greenland rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, cung cấp sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn và mở rộng hơn.
Strelnikova, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow cho rằng, lý do khiến Greenland trở thành trung tâm trong chiến lược Bắc Cực của Mỹ là rất rõ ràng.
"Nơi đây có căn cứ quân sự của Mỹ, bao gồm các thành phần của hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ về cuộc tấn công tên lửa. Và trên cơ sở chiến lược được thông qua vào mùa hè năm 2024, quá trình hiện đại hóa toàn diện đang được thực hiện", chuyên gia cho biết.
Học giả Strelnikova tin rằng vì Nga đã biết về các kế hoạch của Mỹ từ lâu trước khi Trump nhậm chức nên họ chắc chắn sẽ tính đến mọi rủi ro đối với an ninh quốc gia và lợi ích của mình liên quan đến các kế hoạch của chính quyền Mỹ.
Theo Strelnikova, ông Trump khó có thể thành công với kế hoạch liên quan đến Greenland, và nếu thành công, thì yếu tố chính khiến Nga thực sự lo ngại là các cuộc tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ gần hòn đảo này.
"Tất nhiên, việc triển khai bất kỳ lực lượng bổ sung nào của Mỹ tại Greenland sẽ làm giảm khả năng hoạt động của Hạm đội phương Bắc và khiến các cơ sở hải quân ở khu vực Bắc Cực của chúng tôi dễ bị tên lửa tấn công hơn.
Nhưng trước tiên, chúng tôi đã chuẩn bị cho điều này và thứ hai: sẽ không ai bán Greenland", nhà quan sát nói và cho biết thêm rằng:
"Nhiệm vụ chính của chúng tôi là ngăn chặn động lực chính gây căng thẳng đó là Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ và không cho lực lượng này tiếp cận Greenland.
Bởi vì, như kinh nghiệm và hành động của Mỹ ở Thái Bình Dương và Đông Á đã chỉ ra, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển là công cụ gây sức ép được sử dụng thường xuyên hơn nhiều so với Hải quân Mỹ và hành động hung hăng hơn ở cái gọi là vùng xám trên biển, do rủi ro xảy ra xung đột quân sự lớn được cho là thấp hơn", Strelnikova nhấn mạnh.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin cho biết: "Căn cứ không gian Pituffik của Mỹ trên đảo (trước đây là Căn cứ không quân Thule) hiện là một phần của hệ thống cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân từ hướng Bắc Cực của Mỹ.
Căn cứ này đang được hiện đại hóa toàn diện, bao gồm các hệ thống radar trị giá hàng tỷ đô la. Căn cứ này cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng sân bay cho máy bay chiến đấu F-35, có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Những máy bay phản lực như vậy đã sử dụng sân bay của căn cứ này để huấn luyện", đại sứ Barbin nói và cho biết thêm rằng quân đội Mỹ đã hiện diện thường trực ở Greenland kể từ Thế chiến thứ II.
"Nga ủng hộ việc tăng cường sự ổn định ở Bắc Cực. Điều này chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng tạo ra một hệ thống an ninh quốc tế bình đẳng cho tất cả các quốc gia Bắc Cực", đại sứ Barbin nhấn mạnh.