Tổng thống Putin đề xuất tên lửa Oreshnik tham gia cuộc đấu công nghệ của thế kỷ

GD&TĐ - Ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất để tên lửa Oreshnik tham gia cuộc đấu công nghệ của thế kỷ 21.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Putin nêu ra ý kiến trên trong cuộc họp báo cuối năm thường niên tại Moscow, kết hợp với phiên hỏi đáp trực tiếp.

Đây là lần thứ 3 hai sự kiện được kết hợp, một quyết định được cho là do lịch trình dày đặc của ông Putin, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Sự kiện này quy tụ các nhà báo trên khắp nước Nga cũng như các phóng viên nước ngoài. Các câu hỏi từ công dân đã đổ về thông qua các cuộc gọi, tin nhắn văn bản, phương tiện truyền thông xã hội và một trang web chuyên dụng. Sáng 19/12, số câu hỏi đã lên tới hơn 2 triệu.

Lần đầu tiên, trí tuệ nhân tạo được sử dụng để hợp lý hóa quy trình. Các chủ đề quan tâm gồm cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và các vấn đề liên quan đến các hoạt động quân sự đang diễn ra của Nga. Theo ông Peskov, các mối quan tâm về chính sách đối ngoại đã lùi lại phía sau trong năm nay.

Trong buổi họp báo, ông Putin được yêu cầu bình luận về ý kiến ​​của một số chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng Oreshnik có thể dễ dàng bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây.

Đáp lại, Tổng thống Nga đã thách thức phương Tây đưa hệ thống phòng không hiện đại của họ ra đối đầu với tên lửa siêu thanh Oreshnik mới của Moscow trong một "cuộc đấu công nghệ".

"Vâng, nếu những chuyên gia phương Tây mà bạn đề cập tin như vậy, họ nên đề xuất với các ông chủ của họ ở phương Tây và Mỹ tiến hành một cuộc thử nghiệm công nghệ. Ví dụ, một cuộc đấu công nghệ cao của thế kỷ 21.” – ông nói.

“Hãy để họ xác định một mục tiêu ở Kiev, tập trung tất cả các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của họ ở đó, sau đó chúng ta sẽ tấn công mục tiêu đó bằng một tên lửa Oreshnik. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta đã sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm như vậy. Phía bên kia đã sẵn sàng chưa?" – ông Putin hỏi.

Tổng thống Nga giải thích rằng xét đến các đặc điểm kỹ thuật của Oreshnik và các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại do phương Tây triển khai, sẽ không thể ngăn chặn tên lửa hoặc đầu đạn siêu thanh của nó sau khi phóng.

Ông Putin cho rằng kết quả của một "cuộc đấu tay đôi" như vậy sẽ rất được cả Nga và Mỹ quan tâm, những nước hiện đang triển khai hệ thống phòng không tại Ukraine. Ông Putin cũng được hỏi tại sao Oreshnik lại được đặt tên cho tên lửa như vậy, và ông thừa nhận thực ra ông không biết.

Quân đội Nga đã tiến hành cuộc thử nghiệm chiến đấu đầu tiên của tên lửa Oreshnik ngày 21/11 để phá hủy một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine tại Dnepr bằng nhiều đầu đạn siêu thanh.

Khi đó, ông Putin cho biết quyết định công bố Oreshnik được đưa ra để đáp trả các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận với sự cho phép của phương Tây.

Trước đó, ông Putin đã giải thích Oreshnik có thể mang cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường, di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh, khiến các hệ thống phòng không phương Tây không thể đánh chặn chúng.

Ngoài ra, trong cuộc họp báo, ông Putin cũng cho biết các lực lượng Nga đang tiến tới đạt được các mục tiêu chính của họ trên chiến trường ở Ukraine. Ông khẳng định các lực lượng của Moscow đang tiến lên trên toàn bộ mặt trận chiến đấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ