Tổng thống Nga lộ cơ mưu qua ngôn ngữ cơ thể?

Quân đội Mỹ đã tiêu tốn hàng trăm ngàn đô la để nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể của các lãnh đạo nước ngoài trong một nỗ lực nhằm phỏng đoán những động thái trong tương lai của họ, theo các báo cáo rò rỉ gần đây. 

Việc "đọc" ngôn ngữ cơ thể của Putin là một thách thức rất lớn vì ông từng là điệp viên và rất cẩn trọng trong mọi hành động, lời nói. Ảnh: Bussiness Insider
Việc "đọc" ngôn ngữ cơ thể của Putin là một thách thức rất lớn vì ông từng là điệp viên và rất cẩn trọng trong mọi hành động, lời nói. Ảnh: Bussiness Insider

Khi vấn đề Crưm ngày càng trở nên nóng bỏng, Tổng thống Nga Putin hiện đang trở thành tâm điểm của dạng nghiên cứu này của Mỹ.

Ngôn ngữ cơ thể ám chỉ mọi thứ, trừ ngôn từ, mà con người sử dụng để giao tiếp, từ trang phục, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười cho tới tốc độ và âm lượng của phát ngôn, sự dừng nghỉ khi nói, ... Dạng giao tiếp phi ngôn từ này ước tính chiếm tới 60 - 80% thông điệp mà chủ nhân muốn chuyển tải.

"Đây là một khối lượng thông tin vô cùng lớn mà chúng ta đang truyền tải và tiếp nhận bằng tiềm thức" - Joe Navarro, cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và là chuyên gia về giao tiếp phi ngôn từ, nhận xét.

Trong các vụ án hình sự, những dấu hiệu phi ngôn từ có thể giúp nhà chức trách xác định liệu một nghi can có đáng phải điều tra tiếp hay không. 

Các nghiên cứu từng chỉ ra rằng, một số hành vi nhất định hé lộ sự lo lắng về mặt tâm lý. Chẳng hạn như, sự thay đổi giọng điệu, tốc độ nói hay cái nghiêng đầu bất thường có thể hé lộ sự bất an hoặc giả dối.

Khi căng thẳng, con người có thể nhíu cằm, liếc mắt, chạm vào cổ và tóc, quạt áo sơ mi và nuốt một cách khó khăn. Theo ông Navarro, những hành vi trên không nhất thiết chứng minh tội lỗi, nhưng là manh mối để khám phá ra ẩn ý khác. Ví dụ, một phụ nữ dường như vô cùng bất an trong quá trình thẩm vấn, rốt cuộc hé lộ rằng, bà lo lắng bị hết thời gian gửi xe.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc "đọc" ngôn ngữ cơ thể của Putin là một thách thức rất lớn. Từng là sĩ quan tình báo cao cấp của KGB, đương kim tổng thống Nga đã được đào tạo khả năng tạo vỏ bọc, tránh để người khác phát hiện chân tướng. Là một nguyên thủ quốc gia, ông cũng rất cẩn trọng về các thông điệp phát đi.

Theo ông Navarro, các chính trị gia, đặc biệt là những lãnh đạo thế giới như ông Putin, luôn tham vấn luật sư và những cố vấn khác về thứ họ sẽ nói và cách họ nói ra chúng. Các phát biểu của họ trước công chúng, do đó, sẽ là những màn "trình diễn" đã được tính toán kỹ lưỡng, hiếm khi để lộ bất kỳ sơ hở nào.

Về phần minh, Tổng thống Putin thường được mô tả là một bậc đại trượng phu, lạnh lùng, tính toán và chú ý tới vẻ ngoài. Cách ông thể hiện bản thân cũng tạo ra những hình ảnh mâu thuẫn. 

Ông đi săn, cởi trần khoe cơ bắp và túm chặt tay vào bục phát biểu thay vì làm điệu bộ khi nói như người đồng cấp Mỹ Obama, khiến ông có vẻ cứng rắn và khắc kỷ.

Tuy nhiên, tại Thế vận hội mùa đông Sochi vừa qua, ông Putin lại cho thấy một hình ảnh khác, "mềm" hơn: ông mỉm cười, ôm hôn trẻ em và các vận động viên. 

Chuyên gia Novarro nói thêm rằng, mặc dù các nghiên cứu cho thấy, những thông điệp phi ngôn từ có thể tiết lộ hành động trước đây hoặc hiện tại của con người, nhưng không có bằng chứng nào khẳng định, ngôn ngữ cơ thể có thể ám chỉ ai đó sẽ làm điều gì đó về dài hạn. 

Vì vậy, theo ông Novarro, tính cách cá nhân cũng như những hành xử trước đây của Tổng thống Putin sẽ hé lộ rõ hơn về các kế hoạch trong tương lai của ông.

Theo Vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ