Từ ngày 23.5, quân đội Iraq đã bắt đầu siết chặt gọng kìm bao vây Falluja, nhưng đến ngày 30.5, cuộc tấn công trực tiếp mới bắt đầu. "Cuộc tấn công vào IS ở Falluja bắt đầu từ tuần trước, dưới sự yểm trợ từ trên không của lực lượng liên minh quốc tế, không quân Iraq, cùng sự hỗ trợ của pháo binh và xe tăng" - trung tướng Abdelwahab al-Saadi, chỉ huy chiến dịch ngày 30.5 cho biết.
"Lực lượng chống khủng bố, cảnh sát Anbar và quân đội Iraq bắt đầu tiến vào Falluja vào 4h sáng (giờ địa phương) từ 3 hướng. IS vẫn chống cự quyết liệt bằng các vụ đánh bom xe và đánh bom tự sát".
Sự thành công của cuộc tiến công vào Falluja sẽ là đòn giáng mạnh vào IS, đẩy lùi lực lượng này về "thủ đô trên thực tế" Mosul, khiến IS rất khó phá vỡ gọng kìm để chiếm thêm lãnh thổ Iraq. Cuối tuần trước, Mỹ cho biết đã tiêu diệt thủ lĩnh hàng đầu cùng 70 chiến binh IS ở Falluja trong các đợt không kích dữ dội.
Falluja trở thành thành phố đầu tiên của Iraq rơi vào tay IS từ tháng 1.2014, tức là 6 tháng trước khi IS tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria. Kể từ đó, IS sử dụng thành phố như một thành trì cố thủ trong tầm với đến Baghdad, nơi tập trung chính quyền suy yếu của Iraq.
IS được cho là có khoảng 2.000 chiến binh ở Falluja, cùng một số lượng lớn người ủng hộ. Cùng với Mosul, Falluja là một trong hai thành phố lớn bị IS kiểm soát ở Iraq.
Trong khi đó, Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR cảnh báo, khoảng 50.000 dân thường bị mắc kẹt ở Falluja có nguy cơ bị IS sử dụng làm lá chắn sống trong các cuộc giao tranh.
"Có nhiều báo cáo về sự gia tăng đột biến số lượng đàn ông và bé trai bị hành quyết ở Falluja vì không chịu chiến đấu cho IS. Nhiều người bị giết hoặc chôn sống ngay trong nhà mình" - bà Leila Jane Nassif, đại diện của UNHCR ở Iraq cho hay.
Trong khi chiến sự tiếp diễn ở Falluja, có thông tin cho biết ít nhất 17 người thiệt mạng trong 3 vụ đánh bom làm rung chuyển thủ đô Baghdad sáng cùng ngày 30.5. Một vụ đánh bom ở khu chợ làm ít nhất 7 người chết và 20 người bị thương. Một vụ nổ khác ở Sadr City làm 2 người chết và làm bị thương 10 người. Còn vụ đánh bom xe tự sát nhằm vào trạm cảnh sát ở al-Tarmiya bị chặn lại kịp thời, nghi phạm kích hoạt bom và tự sát, gây thiệt hại vật chất nhưng không ai bị thương. IS nhận trách nhiệm cả hai vụ đánh bom tự sát này.
Tương lai lâu dài của IS ở Iraq đang bị lung lay, sau nhiều tháng lực lượng đồng minh nước ngoài rót tiền, thiết bị và nỗ lực huấn luyện cho quân đội Iraq. Tuy nhiên, IS vẫn còn thành trì cuối cùng là Mosul, nơi được cho là thậm chí còn quan trọng hơn Falluja hay Ramadi về mặt chiến lược và tài chính, vì lực lượng IS chôn rễ sâu vào dân thường.