Tổng lực ngăn dịch từ biên cương

GD&TĐ - Dịch Covid-19 tại Campuchia đang bùng phát, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép gia tăng. Tỉnh An Giang tăng cường lực lượng ứng trực 24/24 khu vực biên giới để ngăn mầm bệnh xâm nhập vào nội địa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) tuần tra kiểm soát khu vực biên giới. Ảnh: P.Ánh
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (An Giang) tuần tra kiểm soát khu vực biên giới. Ảnh: P.Ánh

Túc trực 24/24 khu vực biên giới

An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp Campuchia với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở, bến đò ngang. Tình hình dịch Covid-19 hết sức phức tạp tại Campuchia, nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối để nhập cảnh trái phép vào tỉnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn.

Để ngăn mầm bệnh từ biên giới, tỉnh An Giang tăng cường lực lượng giúp sức cho tuyến đầu, mở rộng các chốt để quản lý chặt đường biên.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang, tỉnh đang duy trì thường xuyên 200 tổ, 1.595 người làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng, chống dịch. Lực lượng chủ chốt gồm bộ đội biên phòng, dân quân, công an, hải quan, kiểm dịch…

Ngày 4/5, các đồn biên phòng tỉnh An Giang bàn giao 34 trường hợp người nhập cảnh trái phép cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương đưa đi cách ly tập trung. Tính từ ngày 18/3 đến 4/5, các đơn vị đã phối hợp bàn giao cho Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã biên giới đưa vào cách ly tập trung 5.582 người.

Nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang, tại Campuchia số ca mắc trong cộng đồng đang gia tăng. Người dân Việt Nam từ Campuchia di cư về nước qua đường biên giới của các huyện giáp Campuchia sẽ tăng lên, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong tỉnh rất cao.

Đáng lo là việc nhập cảnh trái phép của một số đối tượng là người nước ngoài từ Trung Quốc, Campuchia vào tỉnh. Hiện, các địa phương tiếp tục kiên trì phương châm chống dịch là ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả.

Khu vực biên giới tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức về phòng chống dịch bệnh và phát hiện, tố giác các đối tượng vượt biên và vận chuyển người vượt biên trái phép…

Theo ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khu vực biên giới địa hình phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối để nhập cảnh trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào cộng đồng là rất lớn.

Nhận thức được nguy cơ trên, tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát biên giới. Chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố biên giới tăng cường quản lý, siết chặt biên giới.

Tổ chức duy trì 200 tổ, chốt kiểm soát trên toàn tuyến biên giới nhằm kiểm tra chốt chặn 24/24. Nhất là các tuyến đường mòn, lối mở, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới. Quản lý chặt các hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép…

Tăng cường lực lượng cho tuyến đầu

Tỉnh An Giang đã tổ chức 16 cơ sở điều trị Covid-19, có khả năng thu dung điều trị 180 người bệnh. Để chủ động trong công tác điều trị, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, UBND tỉnh An Giang có kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường tại huyện Châu Thành để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh Covid-19 khi cần thiết; tổ chức 50 cơ sở cách ly tập trung khả năng tiếp nhận hơn 4.400 người.     

Để công tác chống dịch biên giới được đảm bảo, tỉnh An Giang huy động lực lượng tăng cường cho tuyến đầu. Việc tăng cường lực lượng giúp sức cho các lực lượng tuyến đầu mở rộng các chốt để quản lý chặt hơn đường biên giới trên địa bàn.

Các tổ kiểm soát biên giới luôn duy trì nghiêm các kíp trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng, chống dịch. Duy trì nghiêm lệnh cấm trại 100% đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ. Kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, siết chặt kiểm soát tất cả các đường mòn, đường tắt, kênh rạch thông qua biên giới, không để sót lọt đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang vừa bàn giao thêm 60 chiến sĩ là lực lượng thường trực của Trung đoàn 892 cho 6 đơn vị trên tuyến biên giới. Trong đó, thị xã Tân Châu được tăng cường 10 chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chốt chống dịch thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương.

Đồn biên phòng này có tuyến biên giới dài trên 6km, trong đó có trên 790m biên giới đường sông, quản lý bảo vệ 8 mốc. Đồn Biên phòng Vĩnh Xương hiện duy trì 13 chốt cố định, 4 tổ kiểm soát lưu động, chốt chặn dọc theo đường biên giới thuộc địa bàn xã Vĩnh Xương - Phú Lộc.

Huyện Tri Tôn có đường biên giáp với tỉnh Tà Keo (Campuchia), để chốt chặn biên giới, lực lượng chia ca ứng trực 24/24. Theo ông Cao Quang Liêm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, huyện tập trung tuyên truyền, vận động những gia đình người Việt có thân nhân sinh sống, làm ăn ở Campuchia không về nước.

Nếu có về thì nhập cảnh chính ngạch để được cách ly y tế, không nhập cảnh trái phép. Lực lượng công an, quân sự, biên phòng đảm bảo quân số trực các chốt biên giới 24/24, siết chặt quản lý nhập cảnh.

Vừa làm nhiệm vụ chống dịch, lực lượng tuyến đầu đối mặt với thời tiết nắng nóng cao điểm mùa khô. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; “không có người nhập cảnh trái phép là không lây lan trong cộng đồng”; “không lơ là, chủ quan”, tất cả lực lượng đều duy trì bám trụ vị trí.

Theo Đại úy Phan Thanh Hồng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên: Đảng ủy, Chỉ huy đồn Biên phòng hàng tuần đều trực tiếp đến từng chốt thăm hỏi, động viên nhắc nhở. Nắm bắt về tư tưởng, khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, chiến sĩ.

Qua đó, Đảng ủy, Chỉ huy đồn họp đưa ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, để nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.