Điều đó buộc các nhà trường phải điều chỉnh linh hoạt từ dạy học đến kiểm tra đánh giá, kết thúc năm học… sao cho phù hợp thực tế và yêu cầu chung của ngành.
Đánh giá đúng thực tế
Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình) vừa kết thúc kiểm tra cuối kỳ với 5 khối lớp. Cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Năm học này do ảnh hưởng của dịch nên trường đã điều chỉnh việc dạy học theo Công văn 3969 của Bộ. Vì vậy, các nội dung kiến thức đã tinh giản không được trường đưa vào bài kiểm tra đánh giá cuối năm.
Qua quan sát quá trình kiểm tra đánh giá, cô Mỹ nhận thấy học sinh không căng thẳng, làm bài bình tĩnh. Tuy nhiên, so với năm học không có dịch bệnh, chữ viết của học sinh có phần cẩu thả hơn, dù hiểu và làm được bài nhưng kỹ năng trình bày chưa tốt. Đặc biệt, số học sinh lớp 1 còn đọc chậm vào cuối năm học cũng nhiều hơn bởi dạy học trực tuyến chưa phát huy hết hiệu quả như trực tiếp.
Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), trao đổi: Học sinh tiểu học Hà Nội học trực tuyến phần lớn thời gian năm học, mặt khác thời lượng học từ 8 giờ/ngày giảm xuống 2 giờ/ngày nên chỉ được học các nội dung cơ bản, không nâng cao. Do đó, khâu kiểm tra đánh giá cuối kỳ II nhà trường tập trung vào kiến thức cơ bản. Kết quả cho thấy, 33% học sinh ở mức độ xuất sắc; hơn 50% vượt trội, 10% học sinh diện trung bình.
Với kết quả này, theo cô Lan, trường cho học sinh nghỉ hè toàn thời gian, việc bù lấp kiến thức không triển khai bởi 10% học sinh trung bình do nhận thức chậm chứ không vì ảnh hưởng của dịch bệnh tới quá trình dạy học.
Tại Trường Tiểu học Yên Mĩ (Lạng Giang, Bắc Giang) việc kiểm tra đánh giá cuối kỳ II vừa hoàn thành. Cô Ngô Thị Thoan, Hiệu trưởng, cho hay: Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng trường vẫn đảm bảo đủ nội dung, chương trình, không bỏ sót hay bớt mảng kiến thức nào. Điều này đồng nghĩa việc kiểm tra đánh giá diễn ra bình thường. Đề kiểm tra với học sinh lớp 1, 2 ở 3 mức đánh giá (theo Thông tư 27), lớp 3, 4, 5 ở 4 mức đánh giá (theo Thông tư 22). Kết quả đánh giá cho thấy, đa số học sinh đạt kết quả học tập tốt.
Tuy không chuyển hoàn toàn sang dạy học trực tuyến như một số địa phương nhưng học sinh Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang) cũng chịu ảnh hưởng nhiều của dịch. Toàn trường phải tạm nghỉ 2 đợt với tổng thời gian 2 tháng. Do đó, kết thúc năm học dự kiến sẽ diễn ra vào 15/6. Trường đang chuẩn bị khâu kiểm tra cuối kỳ II.
Cô Phạm Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: Trường thực hiện theo Công văn 3969 của Bộ GD&ĐT nên đã điều chỉnh từ 35 tuần còn trên 30 tuần đối với từng khối lớp (lớp 1, 2 thực hiện Chương trình GDPT 2018 điều chỉnh thành 31 tuần; lớp 3, 4, 5 còn 30 tuần). Các nội dung tinh giản đều không nằm trong kiến thức trọng tâm hay chuẩn kiến thức kỹ năng…
“Tổ chuyên môn sẽ ra ma trận đề theo mạch kiến thức học sinh được học. Sau đó tiếp tục rà soát lại các nội dung kiểm tra có vướng vào phần giảm tải không. Tinh thần chung, đề kiểm tra đánh giá cuối kỳ II năm nay sẽ “nhẹ” hơn nhưng đủ 3 mức đánh giá với học sinh lớp 1, 2 và 4 mức đánh giá với học sinh lớp 3, 4, 5. Từ đó vẫn có thể tìm ra học sinh chưa đạt chuẩn để tiếp tục bù lấp kiến thức trong hè...”, cô Hạnh cho biết.
Tăng cường kiến thức
Cô Đỗ Thị Mỹ cho rằng: Nếu để học sinh nghỉ cả hè và chỉ dành 2 tuần trước khai giảng để bồi đắp kiến thức cho em còn yếu sẽ vội vàng. Trẻ không thể nhanh chóng thay đổi được nhận thức, kết quả học tập để đảm bảo cho việc kiểm tra đánh giá trước khi lên lớp. Đặc biệt với học sinh tiếp thu chậm cần thời gian dài hơn (có khi cả tháng) để việc củng cố kiến thức mới hiệu quả. Do đó, giáo viên sẽ lên kế hoạch bổ sung kiến thức cho học sinh còn yếu ngay trong hè.
Với gần 100% học sinh là người dân tộc, các điều kiện học tập, nhận thức, hỗ trợ còn hạn chế, nên cô Phạm Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lùng Tám, cho biết: Năm học nào vào dịp hè trường cũng yêu cầu giáo viên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với gia đình những nội dung cần bổ trợ để hỗ trợ học sinh. Giáo viên sẽ ra bài tập và hướng dẫn phụ huynh cùng con ôn tập tại nhà. Hàng tuần phụ huynh gửi qua Zalo bài làm của học sinh để giáo viên chữa bài, nhận xét. Phụ huynh không có Zalo, giáo viên đến tận nhà hướng dẫn trò ôn tập.
“Giáo viên của trường cơ bản ở trong vùng nên việc hỗ trợ bồi đắp kiến thức trong hè cho học sinh khá thuận tiện. Các thầy cô luôn hết lòng vì học trò nên việc hỗ trợ không có khó khăn…”, cô Hạnh nhấn mạnh.
Với quan điểm kiểm soát chặt đầu ra, Trường Tiểu học Yên Mĩ sẽ phối hợp chặt với gia đình giao bài, hướng dẫn để học sinh có sức học kém, hoặc gần đạt yêu cầu chung… tự ôn tập lại. Đầu tháng 8 sẽ tiếp tục bồi dưỡng trực tiếp, cuối tháng 8 kiểm tra điều kiện lên lớp.
Cô Ngô Thị Thoan khẳng định: Nhà trường không để bất kỳ học sinh nào “ngồi nhầm lớp” nên sẽ cố gắng làm tốt nhất khâu bồi dưỡng trong hè và đầu năm học. Với 0,5% học sinh toàn trường có khả năng ở lại lớp năm học này nếu sau bồi dưỡng kiến thức vẫn không đảm bảo chất lượng thì việc ở lại lớp là đương nhiên và không thể thay đổi.