Có sự kết hợp giữa kiến thức cơ bản được cung cấp trong SGK với tình hình thực tiễn sẽ giúp cho các em làm bài tập cũng như bài thi một cách chính xác nhất.
Dưới đây là những kinh nghiệm chia sẻ của thầy về học bộ môn khoa học xã hội này nhằm giúp các em hiểu rõ hơn, vận dụng được một số kỹ năng vào học tập. Đặc biệt là cho các bạn học sinh lớp 12, chuẩn bị bước vào đại học.
Để học tốt môn Địa lí các em hãy cố gắng thực hiện tốt một vài điểm quan trọng sau đây:
Để nhớ tốt thì phải viết nhiều, hãy viết những vấn đề chính, cơ bản của nội dung học. Viết nhiều ở đây là “viết đi viết lại một vấn đề đó”, thực hành trong những trường hợp như: học bài cũ, ghi nhớ vấn đề, nháp, thử làm bài thi,…..
Để có câu trả lời tốt thì cần đọc nhiều tài liệu liên quan đồng thời nắm bắt tình hình kinh tế xã hội trong nước và thế giới để có những dẫn chứng cụ thể nhất để làm các dạng bài lý thuyết. Đồng thời các em phải có những kĩ năng nhất định về sử dụng Atlat, nhận biết và vẽ biểu đồ, lược đồ trong các dạng bài tập thực hành địa lí kinh tế xã hội. Học Địa lý có hiệu quả nhất, các em cần nắm những vấn đề cơ bản, cái này thầy cũng đã chia sẻ việc hình thành kiến thức dưới dạng các Bản đồ tư duy rồi.
Đối với chương trình Địa lý 12, học sinh có thể chia ra thành 2 phần kiến thức trọng tâm để nhớ:
- Nguồn lực phát triển. Gồm: các yếu tố như vị trí địa lý, địa hình, đất đai, khí hậu, sông ngòi, tài nguyên khoáng sản, sinh vật, điều kiện xã hội... (Từ bài "Vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên" đến bài "Sử dụng vốn đất"). Phần này các em cần nắm thật vững và giải thích được các hiện tượng địa lý. Ta có thể áp dụng những nguồn lực trên để phân tích các thuận lợi và khó khăn của các ngành kinh tế và các vùng kinh tế.
- Các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Nếu đã nắm và hiểu kỹ những kiến thức của phần trên, em có thể dễ dàng vận dụng để xử lý những vấn đề đặt ra trong phần này. Các vùng kinh tế thường được chia ra thành 2 phần: Nguồn lực phát triển (bao gồm ngoại lực: vốn, kỹ thuật, thị trường trong và ngoài nước, chính sách,…) và thực trạng phát triển. Đến đây các em có thể lập bảng tổng hợp để rút ra những so sánh cho các vùng.
Lưu ý khi làm bài tập, bài kiểm tra và bài thi môn Địa lý:
Đối với dạng câu hỏi về phần tự nhiên: Nhất định các em phải nắm được các qui luật tự nhiên để từ đó phân tích, đánh giá đúng vấn đề.
Đối với dạng bài tập về phần kinh tế xã hội: Ngoài việc nắm vững các kiến thức cơ bản trong SGK thì kết hợp sự kiện, hiện tượng, tình hình kinh tế xã hội đất nước và thế giới hiện tại thông qua các kênh thông tin, sách báo, truyền hình...
Đối với dạng câu hỏi về vùng kinh tế: Đây là sự tổng hợp các nội dung từ tự nhiên đến vấn đề kinh tế xã hội được khoanh vùng cụ thể. Giữa mỗi vùng lại có những đặc điểm thế mạnh và hạn chế riêng vì thế các em lưu ý phân tích cho phù hợp.
Đối với các dạng bài tập thực hành vẽ biểu đồ, lược đồ:
- Cần nhận biết chính xác dạng biểu đồ và thực hiện vẽ biểu đồ phù hợp. Nếu số liệu cho giá trị tuyệt đối và yêu cầu thể hiện động thái phát triển, so sánh tương quan giữa các đại lượng thì ta có thể vẽ các loại biểu đồ cột, đường, kết hợp...
Nếu số liệu cho giá trị tuyệt đối hoặc tương đối nhưng yêu cầu thể hiện cơ cấu, hoặc tỷ lệ, tỷ trọng thì bắt buộc các em phải vẽ biểu đồ tròn hoặc miền. Với yêu cầu này cần phải có các kỹ năng làm bài, kỹ năng nhận biết. Thầy sẽ hướng dẫn các em trong lần tới.
- Nhận xét biểu đồ: Các em có thể chọn một trong các cách nhận xét sau:
+ Lấy số liệu năm sau trừ cho số liệu năm trước, thường là giá trị tuyệt đối.
+ Coi số liệu năm trước là 100%, đi tìm tỷ lệ % của năm sau thường là giá trị tương đối.
+ Lấy số liệu năm sau chia cho số liệu năm trước để tìm tăng hoặc giảm bao nhiêu lần.
+ Nếu thiếu thời gian, các em có thể làm tắt bằng cách so sánh giữa năm đầu và năm cuối.
Trong quá trình nhận xét cần lưu ý nếu đề bài yêu cầu về quy mô các em phải lấy số liệu tuyệt đối để dẫn chứng. Nếu đề bài yêu cầu nhận xét về cơ cấu, em phải lấy số liệu tương đối để dẫn chứng. Nếu làm ngược lại thí sinh sẽ không được điểm.
Một điều mà hầu như bạn nào cũng quên: Nếu đề bài yêu cầu nhận xét nhưng không có giải thích thì khi làm bài chúng ta cũng vẫn phải đưa vài ý giải thích. Có như vậy phần làm bài mới chặt chẽ và đạt được điểm cao.
Không bỏ sót các dữ liệu, tìm mối quan hệ giữa các dữ liệu đó, tìm các giá trị lớn nhất, nhỏ nhất đặc biệt là các số liệu tăng hoặc giảm đột biến. Tìm các mối quan hệ theo chiều ngang và chiều dọc. Riêng đối với đề dân số, nên tìm những mốc thời gian số liệu tăng gấp đôi hoặc tăng nhiều lần.
Một số bản đồ tư duy môn Địa lý: