Việc kiểm tra thực tế nhằm nắm bắt tiến độ xây dựng công trình, động viên các bên tham gia dự án và đề ra những quyết sách thiết thực cho giai đoạn tiếp theo.
Đây là một trong chuỗi hành động quyết liệt, đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch thực hiện các công trình dự án trọng điểm, kiên quyết không để các tác động xấu đầu năm 2020 làm chậm tiến trình hoàn thành. Ngay sau khi, thậm chí cả trong thời gian tham gia đẩy lùi dịch bệnh, Ban Lãnh đạo PV GAS đã liên tục đưa ra nhiều quyết sách, chương trình thực hiện linh hoạt, tổ chức hoạt động trong tinh thần thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tận dụng mọi sự hỗ trợ, hợp tác của đối tác và các đơn vị trong ngành.
Cuộc họp diễn ra tại 2 trụ sở công trình dự án xây dựng Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải và công trình chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây đều là các dự án quan trọng, được đánh giá là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa lớn trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí, đảm bảo vị thế của PV GAS trong việc hoàn thành trọng trách năng lượng quốc gia. Trong thời gian chủ trì cuộc họp, Tổng giám đốc Dương Mạnh Sơn và đoàn công tác cũng đã đi thăm công trường tại khu vực hạng mục công trình Long Hải LFS và mũi thi công số 1 của phần đường ống bờ 26”.
Tham gia các cuộc họp này có Phó Tổng Giám đốc PV GAS Huỳnh Quang Hải, lãnh đạo các Ban Đầu tư Xây dựng, Kỹ thuật Sản xuất, An toàn - Sức khỏe - Môi trường, Ban Quản lý dự án Đông Nam bộ; các đơn vị trực thuộc: Công ty quản lý Dự án Khí, Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ, Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu, Công ty Đường ống Nam Côn Sơn… Các nhà thầu cùng tham gia cuộc họp có Samsung C&T, PTSC…
Dự án kho cảng LNG Thị Vải do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư với công suất qua kho giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/ năm dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Kho cảng LNG Thị Vải có khả năng tiếp nhận được tàu vận chuyển LNG trọng tải lên đến 85.000 DWT với các hạng mục chính của giai đoạn 1 gồm bồn chứa LNG sức chứa 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ được thiết kế theo các phiên bản mới nhất của tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế…
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là khoảng 286 triệu USD, sau khi hoàn thành vào năm 2022 sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ gồm nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, các khách hàng công nghiệp và bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2022. Dự án được thiết kế và thi công với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, bởi các nhà thầu có kinh nghiệm hàng đầu Nhật Bản, Anh Quốc, Hàn Quốc, Kho cảng LNG Thị Vải sẽ trở thành công trình hiện đại nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực LNG, mang lại nguồn năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng Dự án đang vượt trước tiến độ được duyệt. Cụ thể, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công hạng mục bồn LNG và các thiết bị công nghệ chính (Long lead items). Dự án đã hoàn thành thủ tục các đơn đặt hàng (Purchase Order) của hầu hết các vật tư, thiết bị chính với nhà cung cấp từ Nhật Bản và các nước G7. Công tác thi công tổng thể đang vượt trước tiến độ, đang hoàn thiện hạng mục móng bồn LNG. Sau hơn 10 tháng triển khai, Dự án đã đạt hơn 200.000 giờ làm việc an toàn, tuyệt đối không xảy ra tai nạn mất mát.
Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư bao gồm các hạng mục sau:
- Hạng mục 1 là hệ thống đường ống biển gồm đường ống 26” có chiều dài khoảng 118 km từ đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 tọa độ KP 207.5 đến điểm tiếp bờ tại Long Hải và đoạn ống 26” dài khoảng 0,3 km từ điểm tiếp bờ đến trạm tiếp bờ tại Long Hải.
- Hạng mục 2 là Nhà máy xử lý khí GPP2 với dây chuyền công nghệ có công suất xử lý 7 triệu m3 khí/ngày. Nhà máy được đặt tại khu vực Dinh Cố bên cạnh nhà máy GPP hiện hữu.
- Hạng mục 3 là đường ống bờ và các trạm: Trạm tiếp bờ Long Hải và đường ống 26” dài khoảng 8 km từ Trạm tiếp bờ Long Hải đến GPP2; Đường ống 30” dài khoảng 29.5 km vận chuyển khí thương mại từ GPP2 đến Phú Mỹ GDC và 01 trạm van ngắt tuyến tại Phước Hòa và phần mở rộng Phú Mỹ GDC; 02 đường ống vận chuyển LPG và condensate dài khoảng 25 km vận chuyển LPG, condensate từ GPP2 đến Thị Vải và 03 trạm van ngắt tuyến dọc theo tuyến ống…
Tổng mức đầu tư của Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 là khoảng 809 triệu USD. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm thu gom, vận chuyển khí Thiên Ưng - Đại Hùng, Sao Vàng - Đại Nguyệt vào bờ để cung cấp cho các hộ tiêu thụ vào Quý III/2020, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cấp khí cho các nhà máy Điện, Đạm khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo của đất nước.
Mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng PV GAS vẫn đang nỗ lực tìm kiếm mọi giải pháp để Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 hoàn thành trong năm 2020, đáp ứng tiến độ tiếp nhận khí Sao Vàng - Đại Nguyệt.
Tại cuộc họp, các đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì, các nhà thầu đã báo cáo tình hình triển khai 2 dự án trọng điểm, kế hoạch triển khai sắp tới, những khó khăn đang thách thức trong bối cảnh kế hoạch tiến độ thực hiện cực kỳ sát sao và khẩn trương. Các ý kiến đóng góp đều tập trung vào đề xuất các hướng giải quyết thiết thực, bằng mọi giá đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình dự án.
Sau một ngày thực địa tại công trình và lắng nghe, bàn luận kỹ lưỡng với toàn thể lực lượng tham gia thực hiện dự án, Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn đã kết luận, một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa quan trong của 2 dự án, nằm trong chuỗi dự án khai thác, vận chuyển khí từ thượng nguồn đến hạ nguồn trong tương lai gần khai thác và xuất nhập khẩu khí. Tổng giám đốc khẳng định: kiên quyết bằng mọi phương thức phải bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án, vì việc chậm trễ bất kỳ một khâu nào của dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ của chuỗi Dự án, gây thiệt hại lớn về kinh tế của đất nước. Vì vậy, Liên danh tổng thầu phải chuẩn bị mọi giải pháp, đề xuất cụ thể để hoàn thành kế hoạch, đáp ứng tiến độ nhận khí trong năm 2020. Tổng giám đốc PV GAS kêu gọi tinh thần nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm của các bên tham gia dự án, nhất định không đầu hàng khó khăn, giữ vững nhịp độ hoàn thành kế hoạch.
Tổng giám đốc cũng đánh giá cao sự phối hợp của các Ban, đơn vị, sự nỗ lực và hợp tác của PV GAS và các nhà thầu, các đơn vị liên quan. Trong thời gian tới, tất cả những nỗ lực này vẫn cần phải đẩy mạnh, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các giải pháp linh hoạt và hiệu quả. Tổng giám đốc đặc biệt lưu ý các bên tham gia về địa hình thực hiện các dự án có đặc thù trải dài từ ngoài biển vào bờ, với nhiều tính chất địa lý - thời tiết khác nhau, nên yêu cầu an toàn phải đặt lên hàng đầu, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác thi công, nhất là trong mùa mưa bão và tại các hạng mục thi công biển.
Cuộc họp kiểm tra và xúc tiến công việc ngay tại công trình diễn ra trong không khí khẩn trương, đề cao quyết tâm nỗ lực và động viên tinh thần đoàn kết, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ.