Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 27/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Ba Đình, thông báo dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp, đồng thời lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cử tri quận Ba Đình, TP. Hà Nội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cử tri quận Ba Đình, TP. Hà Nội
 

Đa số cử tri bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về hai đạo luật quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp sắp tới, đó là dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cử tri Phạm Thượng Hiền (phường Trúc Bạch) cho rằng: Luật phải bắt đầu từ thực tiễn đa dạng, phong phú, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, nên phải lượng hóa cụ thể, chi tiết, chặt chẽ, để dân dễ hiểu, dễ thực hiện; đồng thời tránh tạo khe hở cho những cán bộ thoái hóa biến chất, lợi dụng chức quyền, lách luật để làm lợi cho mình. Cử tri đề nghị tăng cường kiểm tra, bảo đảm thi hành pháp luật. Trên thực tế, nhiều văn bản luật ban hành rất đúng nhưng không được bảo đảm thực hiện, dẫn đến khinh nhờn pháp luật.

Nhiều cử tri tiếp tục băn khoăn, lo lắng về hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; việc xử lý các vụ tham nhũng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, vẫn còn tình trạng giơ cao đánh khẽ, nhiều vụ xử án treo.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều biện pháp, văn bản phòng chống tham nhũng, thậm chí đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục trong trường học... Cử tri cho rằng, để đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, nhưng phải có ưu tiên, trước hết là phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, cử tri Nghiêm Chính Hợp (phường Ngọc Khánh) nhất trí với Điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, Đảng phải luôn khẳng định mình, hoàn thiện và đổi mới để xứng tầm lãnh đạo đất nước.

Về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều cử tri cho rằng, lâu nay nhiều công trình bế tắc là do vướng mắc ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, mức bồi thường cho dân chưa thỏa đáng. Cử tri nêu lên tình trạng hiện nay trong nội thành Hà Nội vẫn còn những chỗ gọi là đất nông nghiệp, mặc dù hàng chục năm nay dân đã làm nhà ở, không nuôi trồng gì. Cử tri đề nghị đối với những diện tích đất này nên cho chuyển đổi, vừa có lợi cho Nhà nước, vừa tạo điều kiện cho dân có chỗ ở ổn định.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, đúng đắn của cử tri, đề cập nhiều vấn đề lớn của đất nước và cả những vấn đề thiết thân đối với đời sống hàng ngày của nhân dân.

Trước ý kiến cử tri đề nghị Quốc hội cần tiếp tục cải tiến về tổ chức và hoạt động, rút ngắn thời gian kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Kỳ họp thứ 6 dự kiến họp khoảng một tháng rưỡi, là kỳ họp dài ngày nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, vì nội dung có nhiều vấn đề lớn, hệ trọng, như sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, sửa đổi Luật Đất đai... Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được Quốc hội thảo luận tại hai kỳ họp, lấy ý kiến toàn dân và tại kỳ họp này sẽ thông qua toàn văn, nên phải dành thời gian thích đáng để thảo luận kỹ.

Mong muốn cử tri thông cảm và chia sẻ với hoạt động của Quốc hội, Tổng Bí thư phân tích, chỉ rõ những đặc thù trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam: Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, với chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện công tác đối ngoại.

Trong khi đó, phần đông đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, chỉ có 1/3 đại biểu chuyên trách, khối lượng công việc nhiều lại phải bảo đảm chất lượng. Tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 11 luật, cho ý kiến về 9 luật và xem xét, thảo luận các vấn đề khác, nên thời gian họp dài hơn so với các kỳ họp trước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã trao đổi và ghi nhận, tiếp thu các ý kiến xác đáng của cử tri về công tác xây dựng pháp luật; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; về chính sách đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng; tình trạng giá cả gia tăng, bảo đảm đầu ra cho nông sản...

Tổng Bí thư nhất trí cho rằng, luật pháp phải phản ánh đúng thực tiễn và bảo đảm được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Luật ban hành đúng, nhưng có đi vào thực tiễn cuộc sống không, phải làm sao cho dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Xây dựng luật rất khó và Quốc hội đang cố gắng để làm tốt hơn công tác lập pháp.

Trước sự quan tâm của cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư chỉ rõ, vừa rồi việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội là một bước tiến, nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, bước đầu được cử tri đánh giá có tác dụng tốt, cốt để răn đe, cảnh báo, ngăn chặn, giáo dục, cũng là góp phần phòng, chống tham nhũng...

Tuy nhiên, dư luận cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, vì đây là vấn đề mới, vấn đề khó, chưa làm bao giờ; các nước là bỏ phiếu tín nhiệm, bất tín nhiệm, còn ta là lấy phiếu tín nhiệm... Việc này cần tiếp tục rút kinh nghiệm để có cách làm tốt hơn, có tác dụng tốt hơn. Nếu không cẩn thận thì người làm nhiều, vất vả lại phiếu thấp, như vậy vô hình trung khuyến khích người không làm hoặc ít làm, nên phải tính toán kỹ nhiều mặt.

Một số cử tri bày tỏ lo lắng trước tình trạng ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chiếm dụng đất, trong khi việc thực hiện chính sách đối với người dân bị thu hồi đất chưa tốt. Trao đổi về vấn đề này, Tổng Bí thư chỉ rõ:

Nếu có sai sót trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đối xử với dân chưa tốt thì cần sửa chữa, rút kinh nghiệm, nhưng việc thu hút, kêu gọi đầu tư nước ngoài là cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng lớn và cùng với nông nghiệp, vừa qua đã giúp kinh tế nước ta tương đối ổn định; làm sao để phát huy được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực xung quanh việc các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Về tình trạng tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc, từ lâu đã được coi là quốc nạn, là giặc nội xâm; k hi đã có quyền mà không kiểm soát thì dễ sinh ra hư hỏng. Tham nhũng là một bệnh, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm, nhiều khi lãng phí còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, hình thức chủ nghĩa...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và các Nghị quyết của Đảng đang được tập trung thực hiện, chính là nhằm chống cho được lợi ích nhóm, hiện tượng cục bộ, hư hỏng, suy thoái trong cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước quyết tâm chống cho được nạn tham nhũng, bao gồm cả phòng và chống, bao gồm nhiều biện pháp, cả xây dựng luật, nghị định, các quy định, quy chế làm việc...; phải quản lý từ gốc và khi phát hiện tham nhũng thì phải xử lý nghiêm... Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp, đòi hỏi phải có lòng tin và quyết tâm cao.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ