Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Sáng 28/3/2022, tại Nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về bốn dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng, kết hợp họp trực tuyến qua thiết bị Ipad của đại biểu Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, địa phương… cùng tham dự.

Nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, diễn ra trong hai ngày.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững, đã được đề ra từ Đại hội XI của Đảng  và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Tại Kỳ họp thứ nhất vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, trong đó đặt ra yêu cầu: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”.

Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XV sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Tại phiên họp thứ 7, 8 và thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện về các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Khi trình để biểu quyết thông qua, Quốc hội sẽ lấy thêm ý kiến 1 lần nữa đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện của doanh nghiệp là VCCI.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn

“Việc chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua là để nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho các dự án Luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp chính thức của kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở, nhấn mạnh và trao đổi một số nội dung cơ bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù là Luật sửa đổi, bổ sung nhưng có đến hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi; đồng thời, còn điều chỉnh một số quy định tại 4 luật khác có liên quan. Việc ban hành Luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng ở nước ta.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến chú trọng về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Về thu hẹp hay không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong Luật; Về nội dung cụ thể hóa các nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; Xử lý về kỹ thuật lập pháp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật này và các luật có liên quan như Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá…

Việc sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng lần này nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đổi mới công tác khen thưởng đảm bảo tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người dân, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số; tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào việc thảo luận xem các chương mục, các điều khoản quy định đã bảo đảm các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu sửa đổi đối với dự án luật này hay chưa, đồng thời tập trung vào một số nội dung cụ thể, còn có ý kiến khác nhau: Về bổ sung và tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; Tiêu chuẩn, thẩm quyền đề nghị và xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; Về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng… và những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm nhằm bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa…” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tinh thần này đã được thể hiện rất mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa ra định hướng về công tác văn hóa. Lần này, việc sửa đổi Luật Điện ảnh là nằm trong bối cảnh đó. Ngoài ra, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng đã phê chuẩn, tham gia nhiều công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và các hiệp định thương mại quốc tế của WTO, ASEAN-AFTA, CPTPP, EVFTA cùng nhiều hiệp định thương mại song phương với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Điện ảnh là một loại hình văn học nghệ thuật; công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế. Luật Điện ảnh được sửa đổi toàn diện nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện hiệu quả cam kết trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế về lĩnh vực điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh với tư cách là một ngành kinh tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại đợt họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Phiên họp thứ 9.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung vào một số vấn đề, phương án quy định cụ thể các điều khoản chi tiết, hạn chế tối đa tình trạng “luật khung, luật ống”, nhất là về các nội dung: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Phương án thực hiện sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Phổ biến phim trên không gian mạng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm về một nội dung như: Công tác phân loại phim, tiền kiểm, hậu kiểm, cơ chế đảm bảo yêu cầu về mặt quản lý nhà nước đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, về việc có hay không Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nếu có thì cần cơ chế như thế nào để vận hành được quỹ này...  , cũng cần được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, tiềm năng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam rất lớn; nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao. Trong khi đó, quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, tỉ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP của cả nước còn thấp; chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm chưa ổn định; thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện, dễ phát sinh các tranh chấp.

Do đó, dự án Luật này đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 theo hướng sửa đổi toàn diện nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra; xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiệu quả của nền kinh tế; chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại, có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics...

Đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản được hoàn thiện, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tiếp tục tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn nữa về tiếp tục hoàn thiện kết cấu của dự án Luật này, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, luật này với các luật gốc và các luật chuyên ngành khác; Các quy định về các loại hình bảo hiểm; Các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; Quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan; Việc tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; Về bảo hiểm vi mô...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết; thảo luận, tranh luận để thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, phản biện tích cực về các vấn đề của dự thảo Luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện, đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3. Trong quá trình thảo luận, nếu thấy cần thiết, chủ tọa, người điều hành Hội nghị sẽ mời đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, trao đổi làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm.

 Dưới đây là những hình ảnh phóng viên TTXVN ghi nhận được:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ