Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm chống tham nhũng

Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm chống tham nhũng

Ngày 28/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đã tiến hành tiếp xúc với đông đảo cử tri các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm
 

Sau khi nghe thông báo dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, nhiều cử tri đã đóng góp ý kiến xung quanh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Cử tri mong muốn Luật Đất đai sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, qua đó tăng cường quản lý đất đai, góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng; đồng thời có chính sách thỏa đáng trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân có đất bị thu hồi.

Đề cập tới công tác quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, cử tri băn khoăn việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được tiến hành ra sao, hiệu quả đến đâu. Nhiều cử tri cho rằng, công tác quản lý giá vừa qua chưa tốt, gây bức xúc cho người dân, như giá xăng dầu, giá sữa cho trẻ em tăng nhanh.

Cử tri cũng đề cập tình trạng đường giao thông chưa bàn giao đã hỏng, mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, tai nạn giao thông tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, nhưng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chưa hiệu quả, để phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông cần có những biện pháp mạnh hơn.

Nhiều cử tri cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đất nước ta còn nghèo, nhưng lại “xài sang,” lãng phí trên nhiều lĩnh vực, lãng phí tài nguyên, lao động, chất xám... Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, quyết liệt; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương mẫu trong thực hành tiết kiệm.

Liên quan đến công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cử tri cho rằng hiện nay không những không tinh giản được bộ máy mà tiếp tục tăng biên chế, vì vậy chi ngân sách cũng tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều cử tri băn khoăn về hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tình trạng nông dân không mặn mà với đồng ruộng...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp quí báu của cử tri, tập trung vào những công việc mang tầm vĩ mô của Quốc hội, Chính phủ và của Đảng.

Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 và công tác xây dựng pháp luật nói chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng bậc nhất, là đạo luật gốc, quy định những vấn đề hết sức cơ bản của một Nhà nước, gồm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng an ninh, đối ngoại, quyền công dân, quyền con người, các hoạt động của bộ máy cơ quan Nhà nước, cả ở trung ương và địa phương.

Việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị quan tâm, phát huy cao độ tinh thần dân chủ, ý thức trách nhiệm của công dân, thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, bằng tất cả các kênh, các phương tiện, nhằm hoàn thiện bản dự thảo trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Qua tập hợp rất nhiều ý kiến đóng góp, không chỉ ở trong nước mà cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến thống nhất về những vấn đề lớn, cơ bản trong dự thảo. Còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, liên quan đến đất đai, chính quyền cơ sở, thành phần kinh tế... Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến quyết định tại kỳ họp tới.

Tổng Bí thư hoan nghênh các ý kiến đóng góp của cử tri về công tác xây dựng luật pháp và nhất trí cho rằng: Luật phải viết cho sát thực tiễn, phải nghiêm, phải đủ, chặt chẽ, sau đó có văn bản hướng dẫn kịp thời. Luật không thể quy định chi tiết mọi điều được, nhưng văn bản dưới luật phải sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhân dân, ý kiến cử tri để xây dựng cho phù hợp, tránh tình trạng vừa ban hành xong, có ý kiến cho là không khả thi, lại thay đổi ngay, bởi vậy cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chín chắn.

Tổng Bí thư ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tâm huyết của cử tri xung quanh công tác dân vận, công tác tôn giáo, xây dựng chính quyền các cấp, công tác thanh tra ở cơ sở, lấy phiếu tín nhiệm, tạo công ăn việc làm, sử dụng năng lượng sạch, giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm, điều hành giá cả, giá thuốc, sữa, xăng dầu... Các ý kiến này sẽ được phản ánh với các cơ quan hữu quan để làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành.

Chia sẻ với những băn khoăn, trăn trở của cử tri về tình trạng tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tham nhũng là vấn đề nhức nhối, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm, nguy hại. Tổng Bí thư khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Việc tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và các Nghị quyết gần đây của Trung ương chính là nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống cho được lợi ích nhóm, hiện tượng cục bộ, hư hỏng, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Trước câu hỏi của cử tri về tình hình kinh tế đất nước hiện nay đang ở đâu, sáng hay tối, khỏe hay yếu... sắp tới sẽ ra sao, Tổng Bí thư cho rằng việc đánh giá phải khách quan, toàn diện, trên cơ sở thực tế cuộc sống xã hội, căn cứ vào mục tiêu đề ra có đạt được hay không. Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: Nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm. Nhưng kinh tế gắn liền với xã hội, kinh tế phát triển, dân có công ăn việc làm mới có điều kiện cải thiện đời sống, xã hội mới ổn định.

Tổng Bí thư cũng đã dành thời gian trao đổi với cử tri về tình hình đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), về tình hình biển Đông và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình ở biển Đông, đồng thời giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ