Chính phủ xác định mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân là xóa các “điểm nghẽn”, rào cản và tạo được sự hứng khởi, niềm tin và môi trường đầu tư thông thoáng. Từ đó tạo “cú hích” giúp kinh tế tư nhân không ngừng phát triển lớn mạnh.
Đề án phải “trúng, đúng, đột phá”
Ngày 24/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì cuộc họp lần thứ 2 về xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, Bộ Tài chính đã tổng hợp và đang hoàn thiện Dự thảo Đề án và Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đề án hoàn thành phải đảm bảo được các yêu cầu như khơi thông các “điểm nghẽn”, xóa rào cản, tạo được sự hứng khởi và niềm tin, thông thoáng, hấp dẫn môi trường đầu tư để tạo thành “cú hích” lớn đối với phát triển kinh tế tư nhân.
“Chúng ta chủ yếu sử dụng công cụ tài khóa, tiền tệ và thủ tục hành chính để điều tiết, điều chỉnh, kiến tạo; hạn chế tối đa áp đặt các mệnh lệnh can thiệp của Nhà nước; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và đúng nguyên tắc kinh tế thị trường, cam kết quốc tế”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết, những chính sách trong đề án đưa ra phải trúng, đúng, đột phá, đủ mạnh và triển khai được ngay, có tác động ngay để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, đóng góp vào tăng trưởng.
Liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trước đó, tại Hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam”, ông Thái Thanh Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết: Để có thể giải quyết, tháo gỡ được các điểm nghẽn và phát huy được tiềm năng, sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, thời gian tới cần tiếp tục tạo tinh thần đổi mới, khí thế mới và sự hứng khởi trong toàn xã hội về việc vươn lên của nền kinh tế, xem đây là cơ hội lịch sử không thể chậm trễ hơn để thực hiện điều này…
Được biết, khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, trong đó có khoảng 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, không ngừng đổi mới và phát triển đối với kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân có đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước, đóng góp tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp khoảng 56% tổng đầu tư toàn xã hội.
Như vậy, có thể thấy đóng góp từ kinh tế tư nhân là không hề nhỏ cho sự phát triển của đất nước (so với mức 28% của khu vực kinh tế Nhà nước và 16% của khu vực FDI). Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 174 tỷ USD vào năm 2025, đầu tư tư nhân sẽ đóng góp khoảng 96 tỷ USD (ước đạt 56%). Đầu tư công sẽ chỉ đóng góp khoảng 36 tỷ USD, khu vực FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.
Nhìn thẳng thực tế để có giải pháp phù hợp
Tại Hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam”, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý đã phân tích những hạn chế và đề xuất những giải pháp giúp kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng cho nền kinh tế.
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia: Quy mô doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ công nghệ, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế. Kinh tế tư nhân chưa thể bứt phá lên được trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Kim Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam phân tích: Hiện nay, ngân hàng là “phao cứu sinh” về vốn cho doanh nghiệp. Để doanh nghiệp bứt phá được, ông Hùng đề nghị ngành ngân hàng có chính sách, thể chế hỗ trợ cho vay đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Vì nếu không đầu tư vào công nghệ, doanh nghiệp rất khó đột phá.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam đề xuất, Chính phủ cần có chính sách cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để đầu tư công nghệ, phần cấp bù lãi suất hoàn toàn có thể bù đắp bằng thuế thu nhập. Lãi suất cho vay trung, dài hạn hiện nay đang ở mức 8 - 10%/năm, hoàn toàn không hấp dẫn với doanh nghiệp muốn đầu tư đổi mới, sáng tạo.
Ông Nguyễn Viết Toàn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Tân Phú, TPHCM bày tỏ: Cần có chính sách cho phép tăng mật độ xây dựng, giúp các doanh nghiệp này tiếp cận, tận dụng hiệu quả quỹ đất hiện có. Đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có cơ hội sáng tạo.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân là “xương sống, gương mặt” của quốc gia và cạnh tranh mạnh trên thế giới. Vì vậy, vai trò hỗ trợ và kiến tạo của Nhà nước đối với doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Cần giải pháp thay đổi từ tư duy tới chế độ, chính sách, qua đó giúp kinh tế tư nhân thật sự trở thành đòn bẩy của xã hội thịnh vượng. Ngoài ra, rất cần có một chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. Phải có các hệ thống luật mới để khuyến khích doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết: Hệ thống bộ máy quản lý của các bộ và chính quyền địa phương chưa thật sự đổi mới theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc quản lý của các bộ vẫn nặng về cơ chế “xin cho”…
Xác định rõ vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 526/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nhiều nhóm giải pháp được đưa ra để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy định pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp và mở rộng sản xuất.
Hỗ trợ tài chính và tín dụng bằng cách mở rộng các chương trình cho vay ưu đãi, phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng. Tăng cường ứng dụng công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào quản trị tài chính, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 và giai đoạn tiếp theo tăng trưởng hai con số thì áp lực huy động vốn rất là lớn. Agribank là ngân hàng có vốn 100% Nhà nước thì vốn để tăng vốn điều lệ là từ ngân sách Nhà nước cấp. Agribank mong muốn sẽ cấp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để kinh doanh hiệu quả, có nguồn trả lại ngân hàng. Agribank tập trung vào 3 đối tượng: Nguồn vốn huy động từ dân (chiếm 80%), nguồn vốn không kỳ hạn, phát hành trái phiếu.