Tôn vinh những tác phẩm báo chí vì sự nghiệp giáo dục

GD&TĐ - Ngày 18/7, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT chính thức phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục 2018”, nhằm tôn vinh những tác giả có tác phẩm đặc sắc nhất viết về đề tài giáo dục để ghi nhận những đóng góp của báo chí đã đồng hành vì sự nghiệp phát triển giáo dục.  Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa – Trưởng ban Chỉ đạo – xung quanh ý nghĩa của giải thưởng này

Những tấm gương, điển hình trong giáo dục đã và đang được phát huy, nhân rộng trong ngành GD thông qua các tác phẩm báo chí cả nước
Những tấm gương, điển hình trong giáo dục đã và đang được phát huy, nhân rộng trong ngành GD thông qua các tác phẩm báo chí cả nước

Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với sự phát triển của GD-ĐT nước nhà trong thời gian qua?

- Trước hết phải nói rằng, ngành Giáo dục là một trong những ngành được dư luận xã hội rất quan tâm, bởi hoạt động giáo dục hướng tới con người, liên quan đến mọi nhà, mọi gia đình người dân. Vì vậy, thông tin liên quan đến giáo dục trên báo chí luôn có sức hút đối với dư luận.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, bàn về kế hoạch phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, bàn về kế hoạch phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018

Trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, ngành Giáo dục đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương. Đổi mới luôn song hành với khó khăn, những việc mới không phải ngay lập tức được xã hội chấp nhận. Đó là lúc vai trò của báo chí được thể hiện rõ nét.

“Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục”. Vì vậy, Ban Tổ chức rất mong sẽ nhận được sự hưởng ứng của các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Để trong tương lai, đây sẽ trở thành giải thưởng thường niên, có uy tín của ngành Giáo dục và của cộng đồng báo chí”.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa

Sự đồng hành của báo chí thời gian qua đã giúp cho những chủ trương, chính sách, thay đổi lớn về GD-ĐT đến được với xã hội, người dân. Báo chí đã trở thành diễn đàn để từ những người trong cuộc như nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tới các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia vào quá trình đổi mới.

Bên cạnh sự đồng thuận, những ý kiến phản biện tâm huyết, trách nhiệm của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp cho ngành Giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Báo chí còn phát hiện, phản ánh, tuyên truyền và cổ vũ kịp thời những tấm gương người tốt việc tốt; những tấm gương nhà giáo, học sinh, sinh viên đổi mới, sáng tạo; những tấm gương giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vượt qua khó khăn để dạy tốt - học tốt. Hình ảnh đẹp của ngành Giáo dục được lan tỏa trong dư luận xã hội là nhờ phần lớn từ báo chí.

Cũng từ báo chí, một số sự việc, vấn đề còn tồn tại của ngành Giáo dục được phát hiện và phản ánh. Đây là kênh thông tin quan trọng để ngành có những biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời rà soát, xây dựng, hoàn thiện chính sách để lâu dài khắc phục được những tồn tại, hạn chế. Có thể nói, báo chí đã đồng hành, chia sẻ và tác động tới mọi hoạt động GD-ĐT. Ngành Giáo dục luôn trân trọng sự đồng hành này và mong rằng, báo chí sẽ tiếp tục có những hỗ trợ để mọi thông tin của ngành được thông suốt, có tác động tích cực trong dư luận xã hội.

Thứ trưởng có thể chia sẻ lý do Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục 2018”?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, bàn về kế hoạch phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018

- Như tôi đã nói ở trên, báo chí có vai trò rất to lớn với sự nghiệp giáo dục. Ngành Giáo dục luôn ghi nhận và trân trọng điều đó. Trên thực tế, có rất nhiều phóng viên báo chí, nhiều tác giả đã gắn bó rất lâu với lĩnh vực giáo dục, có nhiều tác phẩm báo chí đặc sắc, thể hiện được trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu về giáo dục và tâm huyết với ngành. Có những tác phẩm mà người viết phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức mới có thể đưa đến được với công chúng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một hình thức tôn vinh hay giải thưởng nào của ngành Giáo dục dành cho những tác giả, tác phẩm như thế.

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục 2018” do Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sẽ lựa chọn và tôn vinh những tác phẩm đặc sắc nhất viết về giáo dục, vinh danh những tác giả “âm thầm” đứng sau mỗi tác phẩm tạo nên tiếng vang trong dư luận xã hội, “âm thầm” đứng sau sự nghiệp Giáo dục. Giải thưởng cũng sẽ là cơ hội để ngành Giáo dục nhìn lại chặng đường đổi mới thông qua góc nhìn báo chí, để từ đó hoạch định cho những chặng đường tiếp theo.

Thứ trưởng kỳ vọng gì về một giải thưởng tôn vinh các nhà báo và tác phẩm của họ đối với ngành Giáo dục?

- Chúng tôi hiểu rằng, giải thưởng không phải đích đến cuối cùng của mỗi tác phẩm báo chí mà quan trọng là sản phẩm đó đến với công chúng như thế nào. Vì thế, với giải thưởng này, Bộ GD&ĐT mong muốn được gửi đến những người làm báo sự trân trọng với nghề nghiệp và tác phẩm của họ.

Chúng tôi cũng hy vọng, giải thưởng sẽ như một động lực tinh thần để mỗi người làm báo tiếp tục có những phát hiện, tìm tòi, có những tác phẩm báo chí về giáo dục và đào tạo hay hơn nữa gửi tới công chúng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ