Tham dự chương trình có 100 đại biểu là những người hiến máu tình nguyện tiêu biểu đến từ 63 tỉnh/thành phố, các bộ, ngành, trung ương và 38 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế và 9 quốc gia. Về phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đến dự Lễ tôn vinh
Sự kiện này hàng năm được rất nhiều quốc gia hưởng ứng và tổ chức thực hiện. Mỗi năm có một quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu, luân phiên giữa các châu lục. Năm nay, Việt Nam là quốc gia đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu, với rất nhiều hoạt động diễn ra từ ngày 11/6 – 14/6/2017.
Chương trình do Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các đơn vị tổ chức từ ngày 11 – 14/6/2017 tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.
Trong số các đại biểu được tuyên dương, nhiều đại biểu quốc tế và Việt Nam có thành tích hiến máu rất đáng khâm phục như: Ông Floris Langendam đến từ Hà Lan - 68 tuổi đã hiến máu gần 600 lần; anh Ryu Jaechan đến từ Hàn Quốc - 29 tuổi đã hiến máu 87 lần; ông Yudhbir Singh ở Ấn Độ đã tổ chức hơn 5.000 buổi hiến máu và tuyển chọn hơn 500.000 người tham gia hiến máu, được ghi tên vào sách Kỷ lục Limca (sách kỷ lục của Ấn Độ) 2 lần.
Tại Việt Nam nhiều đã có câu chuyện về hiến máu rất ấn tượng như anh Trần Nguyên Dũng ở Thành phố phố Hồ Chí Minh hiến máu 61 lần, từng đạp xe 50km để đi hiến máu, thậm chí phải vay mượn tiền để làm lộ phí; anh Phạm Nguyễn Hồng Châu - tỉnh Quảng Nam hiến máu 36 lần trong đó có 7 lần hiến máu trong trường hợp khẩn cấp; anh Đào Trọng Hưng ở Thanh Hóa có số lần hiến máu xấp xỉ bằng tuổi đời (22 tuổi hiến máu 21 lần), hiện đang quản lý Ngân hàng máu sống tỉnh Thanh Hóa;
Trân trọng sự chia sẻ và góp sức của tất cả những người hiến máu, bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ghi nhận: “Nhờ có đóng góp thầm lặng của những người hiến máu mà phong trào hiến máu tại Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, tinh thần dân tộc và lòng nhân ái được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Chính điều đó làm cho mỗi con người và cho cả xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Thế giới cũng xích lại gần nhau hơn khi mỗi người đều sẵn sàng chia sẻ sự sống - giọt máu của chính mình cho người bệnh”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện trên thế giới thu được khoảng 115 triệu đơn vị máu, gần một nửa trong số đó thu được ở các nước phát triển (chỉ chiếm khoảng 20% dân số thế giới). Việc đảm bảo có đủ nguồn máu an toàn, bền vững tại các quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.
Với mong muốn kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia hiến máu và hiến máu thường xuyên, từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), Hội Truyền máu quốc tế (ISBT) và Liên đoàn Quốc tế các tổ chức người hiến máu (IFBDO) đã thống nhất lấy ngày 14/6 hàng năm là “Ngày Quốc tế người hiến máu”.
Đây cũng là dịp để cộng đồng tưởng nhớ nhà bác học - giáo sư Karl Landsteiner, người đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, ông sinh ngày 14/6/1858. Phát minh này mở ra một kỷ nguyên mới cho công tác an toàn truyền máu và hiến máu trên thế giới.