Sốc khi đọc nhật ký của con
Lâu nay chị Thu Hạnh (Cầu Giấy - Hà Nội) vẫn cho rằng không ai hiểu con bằng mình. Do đó mọi sinh hoạt của con chị đều “soi kỹ”, từ việc ăn mặc, quen biết bạn bè, đi đây đi đó... hầu như con gái đều chiều theo ý mẹ.
Nhưng một hôm dọn dẹp phòng cho con gái, vô tình nhìn thấy cuốn nhật ký của con trong ngăn tủ, chị đã mở ra và đọc hết những bí mật của con gái. Chị sửng sốt, không ngờ một “đứa bé” 15 tuổi như Lan Anh lại có những suy nghĩ chín chắn như thế. Lật thêm mấy trang, chị còn phát hiện tình cảm đầu đời của con với một cậu bạn cùng lớp mà trước giờ chị chưa từng nghi ngờ.
Không kiềm chế được sự tò mò, ngay khi con gái vừa trở về nhà, chị đã hỏi thẳng: “Cậu bạn tên H. có phải là thằng Hùng học cùng lớp với con không?”. Cô con gái đang ấp úng chưa kịp trả lời thì người mẹ lại tiếp tục liến thoắng: “Tuổi này con cần phải học chứ không được phép để những thứ tình cảm trai gái xen vào cảm xúc của con”.
Nghe mẹ nói thế, Lan Anh đã bắt đầu hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Chạy vội vào phòng, cô bé khóc nức nở khi thấy ngăn kéo mở toang, cuốn nhật ký bí mật vẫn để nguyên chỗ cũ, nhưng một trang bị gấp góc dường như là để đánh dấu những vùng đã được… kiểm duyệt. Lan Anh tức tưởi ôm cuốn nhật ký chạy vội ra khỏi phòng, chị Hạnh vẫn ngơ ngác vì không biết mình đã làm gì sai. Và cũng từ ngày hôm đó, Lan Anh hầu như tránh mặt mẹ.
Không chỉ chị Hạnh mà nhiều phụ huynh khác cũng khá vô tư khi đọc được những bí mật của con trong nhật ký. Họ cho rằng đây là “quyền” của bố mẹ, giúp họ hiểu con mình nhiều hơn. Nhiều người giận dữ vì những điều con cái ghi trong nhật ký, không kiềm chế được đã trút lên đầu con những câu nói nặng nề, đầy thành kiến.
Trò chuyện với con nhiều hơn là đọc trộm nhật ký
Trao đổi về vấn đề này, TS Tâm lý Lê Thị Huệ - giảng viên Trường ĐHSP cho rằng, đọc trộm nhật ký của con là việc làm hết sức không nên. Bởi bạn sẽ khiến con có cảm giác mảnh trời riêng của mình bị xâm phạm một cách thô bạo. Lứa tuổi teen dù luôn sẵn lòng chia sẻ nhiều biến đổi khác lạ, những cảm xúc mới mẻ, song vẫn có những điều các em cần giữ kín, như một cảm giác thiêng liêng cho riêng mình. Muốn đi vào thế giới ấy của con, bạn hãy chọn cách khác, là trò chuyện với con nhiều hơn chứ không phải rình mò đọc trộm nhật ký.
“Đọc trộm” có thể sẽ biết con nghĩ gì, biết tâm sinh lý của con đang thay đổi như thế nào, nhưng lại là việc làm xâm phạm tới sự riêng tư, sẽ khiến con mất lòng tin và có suy nghĩ không hay về bố mẹ.
Người làm cha, làm mẹ nào cũng mong muốn được biết hết mọi suy nghĩ của con, để có thể chia sẻ hay giúp đỡ nếu con mình gặp khó khăn. Nhưng nhiều ông bố bà mẹ sau khi đọc xong nhật ký của con, bất ngờ trước những suy nghĩ “không như mình mong muốn”, làm ùm lên mọi chuyện, khiến những đứa trẻ không biết thanh minh, biết giải thích thế nào. Tình huống đó khiến gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng.
Theo TS Tâm lý Lê Thị Huệ, tuổi thiếu niên có tính tự tôn rất cao, dễ có những phản ứng quyết liệt khi cảm nhận bị xâm phạm sự riêng tư. Vì cho rằng mình đã lớn nên các em muốn được tôn trọng như một người lớn thực thụ. Nếu cha mẹ có thái độ đúng, biết tôn trọng khi đặt câu hỏi và hỏi đúng lúc với sự kiên nhẫn, không nôn nóng, không rầy la, trẻ sẽ tin tưởng và tự tìm đến cha mẹ để tâm sự, chia sẻ mọi nỗi niềm của tuổi mới lớn. Với tình thương và trách nhiệm của mình, cha mẹ hãy khéo léo thay đổi phương pháp giáo dục, kiểm soát phù hợp với lứa tuổi của con. Cảm nhận được tin tưởng và an toàn, trẻ sẽ không ngần ngại để bộc lộ với cha mẹ những suy nghĩ của mình.