Tôi từng bị phạt đứng dưới cờ

GD&TĐ - Trước dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, chuẩn bị thay thế Thông tư 08 được ban hành từ năm 1988, nhà giáo Nguyễn Hữu Nhân (Trường THCS Võ Thị Sáu, Sa Đéc, Đồng Tháp) chia sẻ một câu chuyện liên quan đến kỷ luật và đề nghị: Thầy cô rất nên ủng hộ đổi mới của Bộ để mai này không còn cảnh học sinh bị phê bình dưới cờ.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội hoạt động kỹ năng trong nhà trường. Ảnh minh họa.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội hoạt động kỹ năng trong nhà trường. Ảnh minh họa.

1.

Chuyện xảy ra đã lâu, ngày đó tôi còn là giáo sinh trường sư phạm của tỉnh nhà. Trường tôi khi ấy tập trung sinh hoạt dưới cờ lúc 6 giờ 15 phút. 6 giờ 30 phút là vào tiết 1. Giáo sinh nào không có mặt khi hồi kẻng kết thúc xem như vắng mặt và phải chịu hình phạt, thường là đi lao động thêm một buổi trong tuần. Bạn nào cũng ngán ngại.

Chiều thứ Bảy, tôi thu xếp quần áo rồi đón xe về thăm nhà cũng là để nhận thức ăn gia đình cho thêm vì bếp ăn tập thể đâu thể cung cấp đủ năng lượng cho một thanh niên. Sáng ngày thứ Hai, tôi và một cô bạn học chung lớp mua vé tàu sông để trở lại trường. Chuyến tàu ấy như thường lệ sẽ rời bến lúc 5 giờ sáng. Đúng 6 giờ sẽ cặp bến gần trường sư phạm tôi theo học. Từ bến tàu, chúng tôi mất 5 phút là vào trường. Khi tiếng kẻng báo tập trung chúng tôi luôn có mặt.

Rồi ngày định mệnh cũng đến. Đó là một ngày đầu mùa nước lũ ở quê tôi. Nước sông từ vùng Hồng Ngự ào ạt tràn xuống vùng hạ lưu Cao Lãnh, Sa Đéc, phù sa đỏ chạch đôi bờ. Hồi ấy, cầu Cao Lãnh chưa có. Chuyến phà đưa khách đôi bờ có khi phải mất gần 30 phút mới xong một lượt vì nước chảy xiết đẩy phà xa khỏi bến. Chiếc tàu khách mà tôi và cô bạn đi hôm đó không tránh khỏi cảnh ngược dòng nước nên khi cập bến, xem đồng hồ, tôi thấy chỉ còn ít phút là đến giờ tập trung.

Dù đã ráng hết sức, khi còn cách cổng trường vài mươi mét, chúng tôi đã nghe hồi kẻng vang lên. Tôi bàn với cô bạn chọn con đường băng ngang một ngôi trường khác nằm kề bên. Giữa hai ngôi trường chỉ có một chiếc hàng rào thép gai không chắc chắn lắm. Bước qua chiếc hàng rào ấy là đến ngay khu tập thể dành cho giáo sinh. Phía đầu dãy là của giáo sinh nữ. Ba phòng kế là của nam. Cả hai chúng tôi có thể vào  phòng và ở đó, chờ hết giờ tập trung rồi đến gặp thầy cô chủ nhiệm lớp nhận khuyết điểm.

2.

Không ngờ, mỗi người chúng tôi vừa vào phòng của mình được ít phút thì thầy Hiệu trưởng xuống tận từng phòng tập thể để kiểm tra. Thầy bắt gặp tôi và yêu cầu tôi bước ra khỏi phòng. Tiếp đó, cô bạn tôi cũng cùng chung số phận. Bạn tôi sợ lắm, nài nỉ thầy tha cho. Thầy kiên quyết không tha. Bạn tôi cố gắng nói thêm rằng do chuyến tàu đến muộn chứ không phải chúng tôi cố tình vi phạm nội quy. Thầy quay đi, vờ không nghe gì.

Thầy áp giải hai chúng tôi đi hàng một từ khu tập thể của trường ra đến sân cờ.  Bốn trăm giáo sinh đang im lặng trong sân không giấu được sự ngạc nhiên, râm ran tiếng cười. Chẳng là vì tôi là một Lớp phó kiêm Đội phó đội Sao đỏ của trường có tiếng gương mẫu. Cô bạn tôi lại là một người hiền lành, chăm chỉ học tập, bạn bè ai cũng biết. Vậy mà hôm nay, chúng tôi như tội phạm trong mắt mọi người.

Thầy Hiệu trưởng đưa hai chúng tôi ra đứng trước toàn trường, đứng cạnh nhau. Trước các thầy cô, các bạn, thầy dõng dạc phê bình hai chúng tôi nào là vô kỷ luật, biết giờ tập trung mà cố tình ở lại phòng tập thể không ra dự sinh hoạt cùng mọi người, nào là cán bộ lớp mà thiếu gương mẫu, lại bày chuyện chuyến tàu đến muộn để dối gạt thầy. Thầy còn dọa nếu tái phạm, thầy sẽ trả chúng tôi về địa phương với nhận xét là vô kỷ luật.

Hai chúng tôi xấu hổ vì bị công khai lỗi lầm không hề có trước hàng trăm con người. Cô bạn tôi nước mắt lưng tròng, mặt tái xanh vì uất ức. Trong đầu tôi luồng suy nghĩ thoáng qua nhanh. Phản ứng của tôi là muốn bỏ về ngay lập tức, chấp nhận bị đuổi học vì chống lại hình phạt của thầy Hiệu trưởng. Nhưng tôi chợt nghĩ, nếu bỏ về thì ăn nói sao với cha mẹ đây? Thời gian thi tốt nghiệp ra trường của chúng tôi sắp đến, liệu bỏ về có phải là hay?

Rồi tôi chợt nhớ ra, không ít bạn bè tôi cũng bị thầy Hiệu trưởng phê bình trước trường vì những lỗi như quần áo không phù hợp tác phong sư phạm, nam nữ mải nói chuyện với nhau khi kẻng báo giờ ngủ đã đến mà không chịu dừng lại. Các bạn đó rồi phải dở dang việc học, chọn con đường khác vào đời dù có năng lực và yêu mến nghề dạy học. Các bạn không chịu nổi ánh mắt xem thường của mọi người vì lỗi lầm chưa đến mức trầm trọng hay không thể sửa đổi nhưng lời phê bình của thầy nặng nề đã làm tổn thương.

3.

Tôi nắm chặt tay cố sức chịu đựng, rồi giờ tập trung cũng qua. Tôi và cô bạn bỏ lại sau lưng những lời phê bình nhiều ác ý hơn thiện cảm của thầy. Lòng tự hỏi sao thầy không nghe lời giải thích của chúng tôi và tự hỏi liệu rằng các bạn học tập được gì từ buổi phê bình đó.

Từ khi ra trường gắn bó với nghề dạy học, lòng tự dặn lòng cho dù có thiện ý nhưng đừng bao giờ mang khuyết điểm của học trò công bố trước toàn trường. Cho dù còn nhỏ nhưng học sinh sẽ cảm nhận nỗi đau do những lời phê bình gay gắt thiếu thân thiện của thầy đem lại.

Tôi không hiểu được thật sự ngày đó thầy Hiệu trưởng mong muốn chúng tôi khắc phục cái gọi là khuyết điểm hay ẩn chứa sau đó là một sự khoái trá được trừng phạt học trò. Ẩn danh sau việc phê bình có phải chăng là sự nhục mạ học sinh mà không bị lên án. Không ít thầy cô từng xem việc bêu tên học sinh trước trường như một hình thức kỷ luật của nhà trường.

Mất ba mươi năm trời để xóa bỏ một hình thức giáo dục lạc hậu quả là có chậm nhưng hợp với phương pháp giáo dục mới. Thầy cô rất nên ủng hộ để mai này không còn cảnh học sinh bị phê bình dưới cờ.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.