Khi được hỏi về cuộc đời của mình, NGND.GS.TS Lê Quang Long như trẻ lại với những hồi ức năm tháng theo cách mạng và quãng đời dạy học của mình.
Yêu nước và yêu nghề
NGND Lê Quang Long có ông ngoại là vua Thành Thái, cậu ruột là vua Duy Tân, đều là những vị vua yêu nước. Cha ông sinh được 7 người con thì chỉ riêng ông theo cách mạng.
Sau khi đỗ Tú tài toàn phần ở Huế, Lê Quang Long theo học Trường Y tại Hà Nội, Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, Lê Quang Long trở về Huế và theo học “Trường Thanh Niên Tiền Tuyến”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, hầu hết học sinh trường này đều cuốn theo dòng thác cách mạng trở thành tướng lĩnh và cán bộ cao cấp trong quân đội Việt Nam. Lê Quang Long cùng 4 bạn khác được biệt phái sang Lào. Ông bị thương khi đang làm cố vấn quân sự cho Hoàng thân Xuphanuvông.
Tuổi cao nhưng khi nói về cuộc đời làm nghề dạy học của mình, NGND Lê Quang Long, với chất giọng đặc xứ Huế vẫn rõ ràng và mạch lạc:
Sau khi từ Lào trở về, tôi được cử đi học một lớp đào tạo giáo viên Văn cấp tốc và được tuyển chọn vào dạy ở Trường Quốc học Huế. Thật vinh dự khi được đứng trong đội ngũ các giáo viên phổ thông đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Sau khi trải qua dạy các môn Văn, Pháp văn, Anh văn, dạy vẽ, cuối cùng dừng lại là giảng viên môn Sinh học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây cũng là quãng thời gian tôi gắn bó và có nhiều đóng góp nhất cho ngành Giáo dục.
Ở cương vị này, với lòng yêu nghề và trí sáng tạo ông đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò, trong số đó nhiều người trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học lớn và chính trị gia.
Ông cũng là người có công lao không nhỏ trong việc khôi phục nền đại học Campuchia. Vì những đóng góp của mình, GS. TS Lê Quang Long đã được Thủ tướng Hun Sen ký tặng Huân chương Hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Học thuật là phục vụ cuộc sống
Là một trong ba phó tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô, khi nhận được góp ý của Bác Hồ tại một cuộc triển lãm, rằng: “…Cần nghiên cứu vấn đề hiện đại nhất, nhưng phải thiết thực nhất”. Từ gợi mở đó, một năm sau ông đã nghiên cứu thành công phương pháp nuôi cá trê năng suất cao.
Đất nước thống nhất, nhiều nông trường được thành lập ở ven biển đều lúng túng trong việc nuôi vịt và cá quả, ông lại nghiên cứu và tìm ra giải pháp là nuôi cá rô phi ở nước lợ.
Cá sinh sản nhiều đến nỗi cá quả không ăn hết, khi thủy triều lên, cá rô phi tràn vào đồng và mắc cạn, nông trường chỉ việc lùa vịt tới ăn cá.
Thế là vừa nuôi được cá lại có thức ăn cho vịt lớn nhanh và đẻ nhiều trứng. Hàng loạt đề tài nghiên cứu của ông đều đem lại nguồn lợi cho người nông dân được đánh giá cao.
GS.TS Lê Quang Long cũng là tác giả, chủ biên nhiều cuốn sách. Chỉ tính từ năm 1970 - 2009, ông đã viết gần 100 đầu sách, trong đó 50 đầu sách được viết trong những năm về hưu. Đó là những giáo trình đại học, sách giáo khoa phổ thông, sách tham khảo,
chuyên đề sau đại học và từ điển.
Ông cũng đảm nhiệm chức danh chủ tịch, phản biện hoặc ủy viên của 72 hội đồng quốc gia chấm luận án phó tiến sĩ, thạc sĩ ở các trường đại học.
Ông còn được cử làm Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban cố vấn biên tập kỷ yếu cho 4 hội thảo quốc tế tại Hà Nội về Sinh học (năm 2000); Bảo vệ môi trường (năm 2002); Kinh tế tri thức (năm 2004); Tâm lý – Giáo dục (năm 2005).
Ấn tượng lớn về GS.TS Lê Quang Long với sinh viên, ngoài trí tuệ uyên bác và lòng yêu nghề còn là phương pháp truyền thụ.
GS.TS Trần Kiên, một trong những học trò của ông: Thầy luôn có cách khơi gợi tính tò mò của sinh viên, cái hay trong bài giảng của ông là nghệ thuật dẫn dắt, kích thích tính tò mò, làm cho sinh viên muốn khám phá ra và những khám phá đó lại chính là trọng tâm của bài giảng.
Khi được hỏi vì sao sinh viên hết sức hứng thú trước các bài giảng của thầy, GS Long tươi cười nói: Muốn sinh viên học tốt thì nên truyền cho họ cảm hứng học tập. Thế nên, tôi luôn bắt đầu bài giảng bằng những câu chuyện.
Ví dụ khi dạy sinh viên về nhân bản vô tính, tôi bắt đầu bằng câu “Mưa lâm thâm ướt dầm lá hẹ, anh thương một người có mẹ không cha”.
Cả lớp đang bàn tán thì tôi hỏi: Trong thực tế có hay không có một người có mẹ mà lại không có cha? Sinh viên còn ngơ ngác thì tôi đưa chuyện cừu Doly khiến các em hết sức thích thú.
Đã bước qua tuổi 90, NGND.GS.TS Lê Quang Long vẫn miệt mài với công việc “chèo đò”. Khách của ông là những sinh viên, học viên cao học đến hỏi bài thầy. Mong sao thầy mãi khỏe để tiếp tục chèo lái con thuyền chữ nghĩa, rèn rũa thêm nhiều thế hệ học trò tài danh mới.