Khi bước chân về nhà chồng hầu như cô gái nào chẳng ít nhiều mang theo những lời giáo huấn của mẹ, của chị đại ý rằng đàn bà là người giữ lửa cho tổ ấm, muốn được yêu thương thì hãy săn sóc chồng thật chu toàn. Và chị em đã không ngại lao vào việc chăm chồng con như một bí quyết để giữ gìn hạnh phúc.
Ấy vậy nhưng không lâu sau khi bước chân vào hôn nhân, nhiều phụ nữ đã phải tức tưởi khóc lóc với bạn thân rằng: Không hiểu ông ấy muốn gì nữa, vợ chăm chút đến từng chân tơ kẽ tóc thế mà vẫn kêu khổ. Còn các ông chồng thì thẳng toẹt với đám bạn nhậu: Mình đàng hoàng là thằng đàn ông mà cô ấy cứ coi mình như con không bằng ấy.
Thế Anh - 32 tuổi ở Ba Đình (Hà Nội) là một ví dụ. Khi lấy được Mai, một cô gái gốc Hà Nội vô cùng đảm đang việc nhà cửa và chăm sóc chồng từng ly từng tý, gia đình ai cũng mừng cho Thế Anh. Mẹ đẻ chàng kỹ sư công nghệ thông tin này thở phào nhẹ nhõm vì từ nay con trai đã có người săn sóc.
Ấy thế nhưng nửa năm sau khi kết hôn, hai vợ chồng giữa đêm khuya đã có nhiều trận cãi nhau lôi đình. Hàng xóm vô cùng ngạc nhiên khi thấy Thế Anh sừng sộ bảo: “Tôi nói cho cô biết nhé, tôi không phải là con cô. Tôi là chồng cô đấy”. Nghe câu chuyện ai cũng tưởng Mai có hành động nào đó coi thường hay xấc xược với chồng.
Nhưng một đêm nhóm đàn ông ở khu phố tụ họp uống rượu, Thế Anh mới tâm sự thật. Từ ngày lấy vợ anh như thể phải sống và làm việc dưới sự chỉ giáo của một bà mẹ khó tính là cô vợ trẻ.
Ngày nào anh cũng phải dậy vào một giờ nhất định, phải mặc những bộ đồ do vợ chọn, phải đi những đôi giày mà vợ cho là “hợp với dáng anh”.
Đặc biệt, khổ nhất là anh không còn được ăn mấy món khoái khẩu bao năm nay anh vẫn dùng nữa đó là món thịt chó chấm mắm tôm. Vợ anh bảo mắm tôm là thứ đồ ăn quá mất vệ sinh, Tây có bao giờ dám dùng. Vậy nên nếu có mua thịt chó về nhà thì vợ chỉ cho dùng nước mắm hoặc bột canh. Ăn thịt chó mà không có mắm tôm thì hỏi còn gì là ngon?
Trong khi đó những món ăn nào vợ cho là bổ dưỡng thì dù có ngán tận cổ anh vẫn bị nhồi nhét ăn. Nếu hôm nào đó có lỡ lời chê món này món khác thì lập tức sẽ phải nghe tràng giang đại hải những lời giáo huấn của vợ nào bổ dưỡng, nào lành, ít mắc bệnh.
Thế Anh cũng không phải là trường hợp hiếm hoi, nhắc đến người vợ chăm sóc chồng đến "tận răng", trong lúc dốc bầu tâm sự chuyện đàn ông, nhiều ông chồng đã cùng nhận định: Lấy vợ đúng là bước vào ngục tù.
Chuyện này cũng không mấy khó hiểu. Đàn ông vốn tính giản đơn và đôi khi ăn mặc ngẫu hứng. Ấy vậy nhưng từ ngày lấy vợ, chuyện mặc của họ luôn phải tuân theo sự sếp đặt của vợ.
Quần áo là ủi xong, vợ treo sẵn theo từng bộ và yêu cầu chồng mặc đúng theo sự sắp đặt đó. Hôm nào chồng đổi cách mặc đi là vợ phản đối ngay, thậm chí còn giận dỗi.
Khi đi mua quần áo cũng vậy, vợ luôn là người quyết định kiểu dáng, màu sắc cho chồng. Nếu hôm nào không được làm theo ý là thể nào vợ cũng giận dỗi, mặt nặng như chì rồi suy diễn này nọ.
Thành ra vì nể vợ mà nhiều ông chồng đột nhiên đánh mất niềm hứng khởi mỗi khi diện đồ đi làm hay đi chơi đơn giản bởi họ không còn được làm theo ý mình nữa.
Quần áo đã vậy, đến lời ăn tiếng nói cũng bị vợ bắt bẻ. Mà đàn bà thì 9 hôm 10 ý hôm nay thế này ngày mai lại thay đổi 180 độ, chẳng biết đâu mà lần.
Hôm thì vợ bảo anh cứ ăn nói trống không vậy sau này con nó lớn lên học anh là hỏng hết chuyện, hôm thì lại bảo anh khô cứng, nói đúng ngữ pháp như đài.
Đã thế lại thêm tính hay giáo điều. Nào là “giờ anh đã có gia đình đàng hoàng, cứ chè thuốc suốt ngày với hội trẻ trâu người ta cười cho”.
Nào là anh phải “xây dựng cho con hình tượng người cha hoàn hảo chứ ai lại rượu chè bê bết thế”.... Dẫu biết lời vợ nói không phải là không có lý nhưng các ông chồng vẫn thấy như thể họ có một người mẹ thứ hai.
Và đây chính là lý do đàn ông trước khi cưới đi đâu cũng muốn dẫn bạn gái đi cùng nhưng sau khi cưới, họ lại thích và kiếm cớ đi một mình bởi lẽ đơn giản họ muốn có những khoảnh khắc tự do.