Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng Đảng

GD&TĐ - Ngày 19/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh

Thưa các vị đại biểu,

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới 2018, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Tổ chức xây dựng Đảng- một lĩnh vực rất quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung. Thay mặt Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới các đồng chí và qua các đồng chí, gửi tới toàn thể anh chị em làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tôi được biết, để tổ chức Hội nghị hôm nay, các đồng chí đã có sự chuẩn bị rất công phu, chu đáo và trách nhiệm, nhất là Báo cáo tổng kết và Báo cáo chuyên đề. Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, sâu sắc, sát với tình hình thực tế. Tôi cơ bản tán thành nội dung Báo cáo và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Sau đây, tôi xin tham gia một số ý kiến có tính chất gợi mở và nhấn mạnh thêm một số vấn đề:

1- Như chúng ta đều biết, sự hình thành và phát triển của Ban Tổ chức Trung ương và ngành Tổ chức xây dựng Đảng gắn liền với sự phát triển của Đảng ta. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Ban Tổ chức Trung ương nói riêng và ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói chung đều được Đảng quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, trong toàn bộ hệ thống các cơ quan tham mưu của Đảng thì Ban Tổ chức Trung ương có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Ban có chức năng tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, xây dựng Đảng; trực tiếp là về công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ; đồng thời cũng là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực quan trọng này, góp phần bảo đảm cho Đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh về tổ chức. Phạm vi hoạt động của Ban rất rộng; nội dung rất phong phú; tính chất rất quan trọng và phức tạp. Công việc của Ban Tổ chức Trung ương chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực: tổ chức và cán bộ.

Nói đến tổ chức là nói đến nguyên tắc tổ chức; hệ thống tổ chức; cơ cấu tổ chức, biên chế; cơ chế vận hành, lề lối làm việc; sự phân công và phối hợp trong mỗi tổ chức cũng như giữa các tổ chức trong một hệ thống. Nói đến cán bộ là nói đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá, lựa chọn cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ; và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Đây là công tác đối với con người cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm.

Có thể nói, xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng tổ chức và xây dựng con người, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy. Chúng ta càng ngày càng thấm thía "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân". Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu, đề xuất về tổ chức và cán bộ để Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. Do vậy, cũng có thể nói nếu "xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt" thì công việc của Ban tổ chức các cấp là "then chốt của then chốt". Nếu "chốt" rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái "chốt" này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào. Tôi nói Ban tổ chức có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng là vì thế.

2- Trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, thời gian chưa dài, Ban Tổ chức Trung ương và các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đóng góp to lớn vào công tác xây dựng tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Các đồng chí đã bám sát chương trình công tác của Trung ương; sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng, triển khai thực hiện một khối lượng lớn các công việc, đạt kết quả tốt và có chất lượng. Nổi bật là:

- Đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự sau Đại hội XII, như tham mưu phân công công tác đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều động, phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong cùng một ngày, thời gian rất gấp, nhưng chúng ta bầu cử thành công và đã nhanh chóng kiện toàn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước và chính quyền các địa phương, cơ bản là tốt, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

- Đã tích cực, chủ động tham mưu, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020; cơ bản hoàn thành các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp trong năm 2017 theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, toàn Ngành đã tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với quan điểm tổng thể, mạnh mẽ, rõ ràng, phù hợp; các nhóm giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, sát tình hình thực tế, dễ hiểu, dễ làm, có tính khả thi, có thể triển khai thực hiện được ngay. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định, quy chế trong công tác xây dựng Đảng, góp phần chỉnh đốn Đảng trên tinh thần lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài; lấy "chống" là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Tiếp tục tham mưu, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII, bước đầu đã có sự chuyển biến ngày càng rõ nét của các cấp, các ngành trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Riêng về công tác cán bộ, đã tham mưu xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung vào khắc phục những hạn chế, sơ hở để công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ ngày càng căn cơ hơn, nền nếp hơn, bài bản và hiệu quả hơn; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tệ chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ. Cụ thể là, đã: (1) Tham mưu Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương, quy định về luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý...; (2) Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó phân định rõ trách nhiệm của tập thể cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu trong việc đề xuất, tham mưu, thẩm định và quyết định trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phân cấp trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; (3) Vấn đề tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ luôn được coi là khâu yếu nhưng cũng là khó nhất trong công tác cán bộ. Các đồng chí đã rất cố gắng nghiên cứu, tham mưu để Bộ Chính trị ban hành Quy định về vấn đề này, có thể nói đây là một bước tiến trong công tác cán bộ; (4) Sửa đổi, bổ sung Quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, chú trọng đầy đủ hơn đến vấn đề chính trị hiện nay... Tất cả đều là những vấn đề hệ trọng và cấp bách trong công tác tổ chức, cán bộ.

Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã có sự đổi mới theo hướng hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm và gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược... Đã chủ động thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; phân cấp thi nâng ngạch chuyên viên chính, xét thăng hạng viên chức...

- Đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa ra tiêu chí người cán bộ làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng "trong sáng, gương mẫu, tinh thông". Phương pháp, lề lối, tác phong làm việc của Ngành có nhiều đổi mới, với việc cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với chuẩn hoá các quy trình, quy định; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, văn hoá công sở, nhằm minh bạch hoá công tác cán bộ và ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu. Đã tạo ra phong trào làm việc miệt mài, hăng say, không quản ngày đêm đi đôi với chuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường làm việc khoa học, tích cực, chủ động, để cán bộ phát huy hết khả năng của mình trong công tác; nhạy bén trong nắm tình hình và kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; có cải tiến trong tham mưu, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan liên quan, tăng cường trao đổi, tiếp xúc, bàn bạc, tham khảo ý kiến, chú ý lắng nghe để tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Tóm lại, hai năm qua và đặc biệt là năm 2017, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, đóng góp có hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước. Thay mặt Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, cảm ơn và biểu dương những kết quả mà các đồng chí đã đạt được trong năm qua.

Thưa các đồng chí,

Bên cạnh những thành tích đã đạt được rất đáng ghi nhận, chúng ta cũng cần thẳng thắn, nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục. Đó là:

- Vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng; vai trò nêu gương, phê bình và tự phê bình còn chưa cao, cá biệt có nơi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ... Chính vì những khuyết điểm này nên tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động.

- Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách nhà nước.

- Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?

- Qua kết quả công tác tham mưu của ngành Tổ chức xây dựng Đảng cho thấy, hình như công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng chưa được chú trọng đúng mức; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa đồng đều, còn hạn chế; chất lượng nắm tình hình, năng lực nghiên cứu, dự báo và sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất còn chưa cao,...

Đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, thẳng thắn nhìn nhận, làm rõ những hạn chế này để chúng ta kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

3- Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018: Chúng ta đều biết, năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tình hình thế giới với xu hướng hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo; nhiều nước đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức khó lường, nhất là chủ nghĩa khủng bố cực đoan, biến đổi khí hậu.

Ở trong nước, tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn sau hơn 30 năm đổi mới và đã có những kết quả bước đầu quan trọng sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự lợi dụng chống phá của các thế lực thù địch; sự tác động của biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường... đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với đất nước. Trong bối cảnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng ở các cấp là hết sức lớn lao và nặng nề.

Tôi nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu mà Báo cáo đã nêu. Đồng thời, lưu ý thêm một số nội dung sau:

Một, tư tưởng chỉ đạo chung là phải tiếp tục cụ thể hoá Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương đã ban hành từ đầu khoá XII đến nay. Năm 2017 chúng ta đã làm được nhiều việc, năm 2018 tiếp tục làm và còn nhiều việc phải làm. Thuận lợi là cả hệ thống chính trị đang có khí thế, hăng hái vào cuộc; cấp uỷ các cấp đang đặc biệt quyết tâm; nhân dân đang hồ hởi, ủng hộ; vậy những người làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng chúng ta càng phải khí thế, đẩy mạnh và làm quyết liệt hơn, nỗ lực hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình với tinh thần kiên quyết, kiên trì đưa các nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, thành hiện thực sinh động.

Hai, tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung trình các Hội nghị Trung ương sắp tới, mà trước mắt là Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" trình Hội nghị Trung ương 7. Đề án này phải kế thừa, bổ sung, đổi mới và phát triển trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ; thể chế hoá, cụ thể hoá Cương lĩnh 2011, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng. Tinh thần là chuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực.

Ngoài nhiệm vụ trọng tâm này, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần bắt tay vào chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quan điểm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Khắc phục những hạn chế, bất cập và phù hợp với dự báo phát triển trong tương lai của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Việc kiểm điểm, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải tiến hành một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và trung thực, thực sự là cơ hội quý để chia sẻ, học tập lẫn nhau, là một dịp tổng duyệt lại đội ngũ.

Chủ động tham mưu xây dựng Quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thường vụ cấp uỷ, ban chấp hành các cấp, nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và những nhiệm kỳ tiếp theo để có thể lựa chọn được các đồng chí xứng đáng nhất, thực sự có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc. Tiến hành tổng kết Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị khoá XI để chuẩn bị xây dựng Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội...

Ba, chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp. Tôi hoan nghênh các đồng chí hôm nay đã đưa vấn đề này thành chuyên đề thảo luận tại Hội nghị. Đề nghị các đồng chí thảo luận sôi nổi, khách quan, đi sâu làm rõ nội hàm và biểu hiện của vấn đề, mức độ tình hình hiện nay ra sao, và đặc biệt là đề xuất hướng xây dựng cơ chế để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này như thế nào... Qua đó, góp phần tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Quy định về vấn đề này một cách phù hợp.

Bốn, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải khẩn trương củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của mình một cách tinh gọn, phù hợp; đồng thời, gắn với tinh giản biên chế, xây dựng cơ chế vận hành hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, cơ quan; cái gì chưa phù hợp thì phải kịp thời thay đổi, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Bên cạnh đó, hết sức chú ý đến công tác nắm tình hình, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận về công tác tổ chức, xây dựng Đảng.

Năm, nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Đường lối có đúng hay sai, tổ chức thực hiện có tốt hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các đồng chí đang phải đối mặt, song, Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của cấp uỷ các cấp, của từng cán bộ làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Các đồng chí phải nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám hy sinh vì lợi ích chung, có đạo đức cách mạng trong sáng, gương mẫu; tinh thông nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, nói đi đôi với làm. Đặc biệt là phải hết sức công tâm, khách quan, tận tuỵ với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào. Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ.

Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, trước hết là đồng chí bí thư cấp uỷ, bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thưa các đồng chí,

Đất nước ta vừa đi qua năm 2017- một năm đầy ắp các sự kiện sôi động, rất đáng tự hào, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp và đang đứng trước thời cơ mới. Nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn. Vì trước mắt chúng ta còn nhiều việc phải làm, đầy khó khăn, thách thức. Với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng, năm 2018 đất nước sẽ vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều kết quả quan trọng hơn nữa, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Tôi hy vọng rằng, qua Hội nghị này, chúng ta sẽ đúc rút thêm được nhiều kinh nghiệm, có quyết tâm và khí thế mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng mong đợi của Đảng, nhân dân và đất nước.

Một lần nữa, xin gửi tới các đồng chí và gia đình lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, thành công/.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.