Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đã có trường hợp ca mắc COVID-19 đến các phòng khám tư nhân, nhưng chưa được sàng lọc và phát hiện. Khi bệnh nhân không đỡ, đến bệnh viện khám mới được sàng lọc và phát hiện.
Từ thực tế trên, Sở Y tế đề nghị toàn bộ các phòng khám chuyên khoa và đa khoa trên địa bàn thực hiện việc khai báo y tế điện tử cho tất cả người bệnh, thân nhân người bệnh và nhân viên phòng khám, những người liên hệ công tác tại phòng khám.
Tất cả người bệnh khi đến phòng khám đều phải thực hiện khai báo y tế điện tử trên điện thoại thông minh qua QR code hoặc nhân viên phòng khám khai báo hộ.
Bác sĩ/nhân viên phòng khám kiểm tra kết quả khi khai báo của người khai báo để xem thuộc cảnh báo màu gì trên hệ thống. Nếu cảnh báo màu xanh tiếp tục khám chữa bệnh theo quy trình.
Trường hợp cảnh báo màu vàng hoặc cam, cần cho người bệnh ngồi ở buồng riêng biệt hoặc giữ khoảng cách tối thiểu đối với người bệnh, khai thác kỹ yếu tố dịch tễ.
Nếu cảnh báo màu đỏ, cần cho người bệnh ở buồng riêng biệt hoặc giữ khoảng cách tối thiểu với người bệnh.
Nếu bệnh nặng, cần nhập viện cấp cứu, nhân viên phòng khám gọi 115 để vận chuyển người bệnh đến bệnh viện quận, huyện để cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Nếu bệnh nhẹ liên hệ với trung tâm y tế để chuyển người bệnh đến bệnh viện quận, huyện cách ly lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Sở Y tế yêu cầu tất cả các phòng khám đa khoa, chuyên khoa nâng cao mức cảnh giác lên cao nhất, chẩn đoán phân biệt đầu tiên phải luôn nghĩ đến COVID-19.
Đối với người bệnh thuộc khu vực giãn cách theo chỉ thị 16 phải xem người bệnh thuộc nhóm có yếu tố dịch tễ.
Nếu người bệnh không có yếu tố dịch tễ nhưng có một trong số các triệu chứng như sốt, ho, đai họng, mất vị giác, khứu giác đều phải được xem là có yếu tố nguy cơ và phải được khám sàng lọc, làm xét nghiệm chẩn đoán.