Tỏa sáng những vầng trăng khuyết

Tỏa sáng những vầng trăng khuyết

(GD&TĐ) - Cho dù có cây nến cong, cây nến thẳng, nhưng chúng đều có quyền cháy sáng, thắp lên ngọn lửa hy vọng. Các thí sinh tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” dành cho người khuyết tật đã chứng tỏ được điều đó để mang đến cho xã hội một thông điệp: Khuyết tật lớn nhất của con người là đầu hàng số phận.

Thắp lên khát vọng

Tôi đã xem các em thi từ những ngày đầu. Và việc để các thí sinh tự tin thể hiện mình trước công chúng là điều không đơn giản. Bởi trước đó, rất nhiều em sống khép kín, tự ti, ngại giao tiếp. Trong số hơn 70 thí sinh, Ban tổ chức đã tìm được 10 gương mặt khả ái nhất, tự tin nhất để thi vòng chung kết. Đúng như sự kỳ vọng của ban tổ chức, người thân và bè bạn, các thí sinh đã thật sự tỏa sáng trong đêm chung kết. Trước đó, 10 thí sinh đã có các buổi giao lưu, làm quen với công chúng và các bạn đã thể hiện rất tốt ý chí và những ước vọng của mình.

Thí sinh Trần Thị Ngọc Linh (24 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Bố Trạch, Quảng Bình tâm sự: “… Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.” Hay thí sinh Nguyễn Thị Hậu, 29 tuổi, đến từ Duy Tiên, Hà Nam cho biết: “Trên đường đời hành lý con người cần mang theo là lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng. Ở đời nhiều việc khó nhưng không có nghĩa là không làm được, quan trọng là con người ta có thực sự thiết tha, có đủ phương pháp và nghị lực biến niềm đam mê thành Nghệ thuật hay không”. Tham gia cuộc thi, Hậu không mong mình đoạt giải cao nhất. Với cô việc được giới thiệu về mình, giao lưu với các bạn và học hỏi thêm bao điều lý thú đã là phần thưởng lớn lao nhất.

Ánh Ngọc trong niềm vui đăng quang
Ánh Ngọc trong niềm vui đăng quang

Trong số 10 thí sinh lọt vào vòng chung kết, Lê Thị Thúy Đoan đến từ Long Biên, Hà Nội là người duy nhất bị câm. Cô rất yêu gia đình mình, đặc biệt là bố bởi ông luôn ủng hộ và động viên Thúy Đoan tham gia các hoạt động xã hội. Không thể nói, cô dùng ngôn ngữ ký hiệu, nhưng cũng khiến cô gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp. Tuy nhiên, Đoan luôn cố gắng diễn đạt thật dễ hiểu để mọi người có thể hiểu và bản thân có thể hòa đồng với mọi người. Tham gia cuộc thi này Thúy Đoan mong muốn được giao lưu với các bạn thí sinh để hiểu nhau hơn và tự tin vững bước trong cuộc sống.

Tất cả cùng chiến thắng

Đêm chung kết diễn ra với chủ đề “My body, my talent” (Hình thể của tôi, tài năng của tôi) nhằm nhấn mạnh sự tự tin của những cô gái khuyết tật. Tại đây, 10 thí sinh xuất sắc nhất đã trình diễn tài năng ấn tượng. Cho dù có thí sinh ngồi trên xe lăn, thí sinh đi phải người dìu. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng họ đều có một điểm chung là đang cười, đang tỏa sáng như vẻ đẹp của mảnh trăng khuyết đêm thu.

Phần mở đầu là thi trang phục tự chọn. Với sự cố gắng của ban tổ chức và các thí sinh dày công luyện tập cả tuần để hoàn thành một phần trình diễn khá ấn tượng. 10 thí sinh trên sân khấu, một chàng họa sĩ với những ước mơ, sự tưởng tượng, đã vẽ nên những khuôn mặt rạng ngời của 10 cô gái, đẹp như trong cổ tích. Sự “cách điệu” này dường như đã đạt đến mức độ khá chuyên nghiệp, giúp khán giả thấy hứng thú.

Ở phần thi tài năng, Nguyễn Thị Hậu đã mở đầu bằng bài hát “Khát vọng” của Phạm Minh Tuấn. Giọng Hậu đầy nội lực, khỏe khoắn, diễn cảm. Cô hát như muốn đốt cháy mình, như muốn gửi khát vọng dồn nén bấy lâu của một cô gái ngồi xe lăn vào lời hát. Khán giải vỗ tay không ngớt cổ vũ cô. Với thế mạnh là người sáng tác, thí sinh Vương Bích Việt (Quảng Ninh) đã thể hiện bài thơ “Đóa hoa dâng đời” do cô sáng tác và được thí sinh Lê Thị Thúy Đoan múa phụ họa. Đây là tiết mục biểu diễn chung của 2 thí sinh và thể hiện được sự nhuần nhuyễn của cảm xúc giữa người đọc và người múa.

Đến với phần thi tài năng, thí sinh Nguyễn Thị Ánh Ngọc (Hải Dương) đưa đến ban giám khảo và khán giả phần diễn thuyết về mẹ. Đoạn độc thoại nội tâm đầy cảm xúc, cũng là những nỗi niềm đời thực của chính cô. Qua diễn thuyết này, người ta thấy cô từng tuyệt vọng, từng ghét mẹ, nhưng người mẹ ấy vẫn với ánh mắt hiền từ, tấm lòng nhân hậu vị tha, đã chăm sóc cho đứa con bất hạnh của mình. Chưa dừng ở đó, người mẹ còn tạo dựng cho con ước mơ, đưa con đến với chân trời mới, cho con được hòa nhập với cộng đồng. Sau phần diễn thuyết, mẹ của Ngọc đã lên sân khấu, ôm con gái vào lòng, gây cho người xem sự xúc động thật sự.

Cuộc thi nào cũng có người thắng và người thua. Sau cuộc thi, ban giám khảo đã chọn ra một giải nhất, một giải nhì, một giải ba và 5 giải phụ. Giải Nhất thuộc về Nguyễn Thị Ánh Ngọc (21 tuổi), sinh viên khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Tại phần thi ứng xử Ngọc cũng có câu trả lời ghi điểm với Ban giám khảo: “Tôi là cây nến cong đến hai lần. Cả hai lần đều khó khăn và cuối cùng học được cách tự tin. Chính sự khiếm khuyết đã tạo cho tôi những cơ hội mới. Và dù khiếm khuyết hay hoàn hảo chúng ta đều đang cháy sáng hết mình”.

Thí sinh đạt giải nhì là Nguyễn Thị Hậu, và giải ba thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Thu Hiền, cả hai được đánh giá là “ngang ngửa” với thí sinh đạt giải nhất. Có một điều thật đặc biệt, là ở phần thi ứng xử, Hậu là người “mở màn” và cô đã khiến cả hội trường lặng người vì trả lời quá ấn tượng. Tuy nhiên, Ánh Ngọc lại là cô gái “ăn điểm” ở khuôn mặt khả ái và phần thi tài năng… không thể chê.

Cuộc thi đã khép lại, 10 cô gái đều chiến thắng. 10 thí sinh đều đáng được tôn vinh, được ghi nhận. Và chắc chắn, các cô không chỉ là trăng khuyết, các cô còn là ngọn nến cháy sáng, soi cho mọi người, thắp lên cho mình khát vọng, giúp đỡ người khác, hòa nhập cộng đồng, để cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn.

Ngô Thục Miên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ