Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sự cần thiết đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đặc biệt là kinh tế xanh.
Khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, người dân hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển, sử dụng bền vững nguồn lợi từ biển và đại dương.
TS. Vũ Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm: Nghị quyết 26 ra đời sau hơn một năm nhưng ngay lập tức Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ và triển khai những hoạt động cụ thể, phê duyệt và đưa vào thực tế hàng loạt dự án, đề án trọng điểm. Trước hết, trình và phê duyệt Ủy ban quốc gia chỉ đạo về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Tiếp đến là phê duyệt chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển. Biển Việt Nam 1 triệu km2 nhưng mới hơn 10 năm, kể từ khi có Nghị quyết TW 9 thì chúng ta mới chú trọng hơn về biển.
Bên cạnh đó, đã phê duyệt kế hoạch giảm thải rác thải nhựa đại dương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đưa Nghị quyết 36 cũng như Nghị quyết 26 vào xây dựng Văn kiện và tổ chức Đại hội, xây dựng chương trình hành động để triển khai những vấn đề có liên quan, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển.
Cũng trong Nghị quyết 26, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể Tổng cục Biển trực tiếp xây dựng hai quy hoạch: Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch tổng thể khai thác bền vững tài nguyên vùng bờ.
TS Đào Xuân Lai, Trợ lý Trưởng đại diện, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP chia sẻ: Các tổ chức quốc tế rất quan tâm và đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam làm nhiều công việc cụ thể. Đặc biệt nhất là thành lập các khu bảo tồn biển. Rõ ràng chúng ta không chỉ khai thác một cách quá mức mà vừa khai thác phải cân đối với bảo tồn, có khu bảo tồn nghiêm ngặt để tái sinh nguồn cá, các nguồn thủy sinh.
Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm vấn đề rác thải biển. Đây là vấn đề nóng, thách thức toàn cầu hiện nay. Năm 2019 hơn 60 tổ chức quốc tế cam kết cùng Chính phủ Việt Nam đưa ra hành động, khuyến cáo về rác thải đại dương.
“Du lịch Việt Nam cần phát triển hài hòa bền vững, vừa mang lại lợi ích cho đất nước, vừa nâng cao đời sống nhân dân, cũng như có môi trường trong lành cho người dân hiện tại cũng như công dân tương lai của chúng ta”, ông Lai cho biết thêm.