Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ TPHCM chăm sóc bệnh không lây nhiễm

GD&TĐ - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ TPHCM về chăm sóc bệnh không lây nhiễm, chương trình triển khai tại các trạm y tế phường, xã.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Y tế TPHCM cho biết, đơn vị vừa có buổi làm việc với đoàn chuyên gia thuộc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam do Bác sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam làm trưởng đoàn.

Buổi làm việc nhằm triển khai hiệu quả Chương trình xử trí lồng ghép các bệnh không lây nhiễm.

Chương trình triển khai tại các trạm y tế phường, xã, thông qua việc sử dụng “Gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới” (WHO PEN).

Sở Y tế TPHCM cùng các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: P.V.

Sở Y tế TPHCM cùng các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: P.V.

Theo các chuyên gia của WHO, cách làm hiệu quả và thiết thực nhất khi triển khai chăm sóc và quản lý bệnh không lây nhiễm là dựa vào hệ thống y tế cộng đồng. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) là cơ quan chịu trách nhiệm chính để điều phối, giám sát, theo dõi, lượng giá kết quả…

Trạm y tế phường, xã cùng với mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là nơi triển khai các hoạt động tầm soát, chăm sóc tại cộng đồng các bệnh không lây nhiễm.

Trong giai đoạn đầu, hệ thống y tế cộng đồng nên tập trung nguồn lực ưu tiên cho 2 bệnh phổ biến nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường.

Ngoài ra, ngành y tế thành phố nên triển khai thêm hoạt động phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm - vốn có tỷ lệ mắc gia tăng nhanh sau đại dịch Covid-19.

Bệnh không lây nhiễm là các bệnh không lây từ người sang người, còn được gọi là bệnh mãn tính. Bệnh có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung là tiến triển chậm

Các loại bệnh không lây nhiễm chính là bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản), đái tháo đường và rối loạn tâm thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ