Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn chủ trì tại đầu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). 63 đầu cầu địa phương có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố; lãnh đạo, cán bộ Sở GD&ĐT.
Bảo đảm tối đa quyền lợi thí sinh
Báo cáo tổng quan công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cho biết: Bám sát Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ theo phân công, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Để Kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả, ông Mai Văn Trinh lưu ý địa phương một số điểm quan trọng về công tác nhân sự, chuẩn bị điều kiện vật chất, tập huấn quy chế, nghiệp vụ cho cán bộ làm thi. Nội dung này, Bộ GD&ĐT đã cung cấp tài liệu cụ thể gồm cả bản word, video, infographic đến các địa phương; đề nghị BCĐ tỉnh/thành phố nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện tốt.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục có 18 học sinh (HS) là F0, hơn 300 em là F1; tập trung ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Điện biên. Với kinh nghiệm tổ chức tốt Kỳ thi trong điều kiện có dịch của năm 2020, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ là chủ động khống chế dịch, không ngừng các hoạt động kinh tế - xã hội, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương quyết tâm tổ chức Kỳ thi bảo đảm nguyên tắc an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
“Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Y tế để xây dựng các kịch bản ứng phó với những tình huống khác khau của dịch” - Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết và thông tin các phương án. Theo đó, giải pháp tổng thể tổ chức Kỳ thi cho các thí sinh (TS) liên quan đến dịch Covid-19 là chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tại các điểm thi.
Cụ thể: Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; phun khử khuẩn phòng thi; đo thân nhiệt TS trước khi vào điểm thi, trang bị dung dịch khử khuẩn đến từng phòng thi; sắp xếp chỗ ngồi của TS trong phòng thi, bảo đảm giãn cách; hạn chế tụ tập đông người, việc này thực hiện với cả phụ huynh đưa đón con trước cổng điểm thi... Tùy điều kiện và nguồn lực, các địa phương có thể tiến hành hiện xét nghiệm Covid-19 hoặc tiêm vắc-xin cho TS, cán bộ tham gia làm thi; rà soát, phân loại hiệu quả và có phương án tổ chức Kỳ thi tốt cho từng nhóm đối tượng.
Nhấn mạnh tinh thần bảo đảm quyền lợi tối đa cho TS, ông Mai Văn Trinh cho biết: TS là F0 phải điều trị tại bệnh viện, sẽ được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) theo quy định của quy chế. Bố trí điểm thi riêng cho TS F1. Nếu điểm thi cách xa khu cách ly, cần tính toán phương án đưa đón TS bằng ô tô riêng, thực hiện các biện pháp khử khuẩn, trang bị đồ bảo hộ, phòng chống lây nhiễm chéo. Việc coi thi, xử lý bài thi, chấm thi cho TS F1 cũng phải bảo đảm nguyên tắc riêng biệt, an toàn quy chế thi, an toàn phòng chống dịch. TS thuộc diện F2, khi tổ chức thi, cần thực hiện tốt những giải pháp tổng thể nói trên, đặc biệt là nguyên tắc 5K.
Từ giải pháp tổng thể của Bộ, Cục trưởng đề nghị từng địa phương xây dựng kịch bản cụ thể tổ chức Kỳ thi trong điều kiện có dịch tại tỉnh/thành mình. Trong đó, tính toán kỹ điều kiện con người, cơ sở vật chất, nguồn lực triển khai. BCĐ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cần phối hợp chặt chẽ với BCĐ phòng chống dịch Covid-19 để rà soát, tính toán số lượng TS là các F, từ đó có giải pháp xử lý với từng F, bảo đảm an toàn và quyền lợi tối đa cho TS.
Địa phương sẵn sàng phương án
Là điểm nóng về dịch Covid-19, thông tin từ ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Bắc Ninh, hiện toàn tỉnh có 110 cán bộ, giáo viên, HS thuộc đối tượng F0; trong đó 6 cán bộ giáo viên, 104 HS. F1 có 58 cán bộ giáo viên, 953 HS. F2 có 870 cán bộ giáo viên và 5.075 HS. Tính riêng HS lớp 12, nhóm F0 có 15 HS (đều thuộc các trường THPT trên địa bàn huyện Thuận Thành), trong số đó có 5 HS đã được ra viện ngày 24/5. Nhóm F1: 125; F2: 394 HS; chủ yếu thuộc huyện Thuận Thành (116/125).
Trên cơ sở tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Sở GD&ĐT Bắc Ninh đã xây một số phương án tổ chức Kỳ thi báo cáo UBND tỉnh. Phương án 1, Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh (không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng, kết thúc biện pháp giãn cách xã hội vào khoảng 20 - 25/6): Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng lịch thi của Bộ (ngày 6, 7, 8/7). Với nhóm TS F1 (phải cách ly tại các khu tập trung) sẽ tính toán đề xuất tổ chức thi tại các điểm thi phù hợp.
Cụ thể, tình huống mỗi huyện, thị xã, thành phố có số lượng F1 lớn hơn 2 phòng thi (quy ước mỗi phòng cho 10 HS) sẽ bố trí ở mỗi huyện/thị 1 điểm thi cho đối tượng F1; nếu mỗi huyện, thị, thành phố có số lượng F1 nhỏ hơn 2 phòng thi sẽ nghiên cứu bố trí các điểm thi phù hợp. Tình huống 2: Nếu số lượng TS thuộc đối tượng F1 còn nhiều, Sở báo cáo tỉnh xin ý kiến Bộ tổ chức thi đợt 2 cho đối tượng F1 này. Phương án 2: Sau ngày 20 - 25/6 tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội: Bắc Ninh đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cho HS toàn tỉnh.
Tại Bắc Giang, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Nam, đến hết ngày 26/5, địa phương có 1.771 cán bộ, giáo viên diện F; trong đó có 1 F0, 134 F1, 615 F2 và 1.021 diện trong vùng cách ly, giãn cách. HS lớp 12 có 9.914 diện F; trong đó F0 có 1 HS, F1: 152 HS, F2: 2.690, diện trong vùng cách ly, giãn cách: 7.071 HS.
Sở GD&ĐT đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc thành lập BCĐ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Bắc Giang. BCĐ thi tỉnh đã tổ chức phiên họp thứ nhất; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng lịch hoạt động của BCĐ; xác định các điểm tổ chức thi trong tỉnh; thảo luận và thống nhất phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Sáng 27/5, tỉnh có 48 F0; đã có HS lớp 12 là F1 và hàng trăm HS, cán bộ giáo viên là F2. 3 kịch bản tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT đươc xây dựng.
Tinh thần chung theo phát biểu của các địa phương - trong đó có địa phương số lượng TS lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - là sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện với quyết tâm cao nhất để tổ chức Kỳ thi chất lượng, an toàn theo kế hoạch. Phương án trong điều kiện dịch bệnh cũng được xây dựng phù hợp với thực tế địa phương. Trong phát biểu của mình, đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế đều bày tỏ quyết tâm sẽ đồng hành, phối hợp với Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục địa phương tổ chức Kỳ thi bảo đảm an toàn phòng dịch, an toàn quy chế.