Địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT: Nâng cao vai trò giáo viên

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thầy cô vừa truyền thụ kiến thức, phân tích kết quả từng bài kiểm tra để đánh giá, phân loại khả năng tiếp nhận của từng HS; vừa chuẩn bị cho trò cả kỹ thuật và tâm lý thi cử…

Ôn thi cùng học trò

Tuần đầu tiên đi học trở lại sau hơn 3 tháng nghỉ học để phòng, chống dịch Covid 19, GV khối 12 Trường THPT Tôn Thất Tùng (Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tổ chức ôn tập, củng cố lại kiến thức học qua truyền hình và trực tuyến. 

Cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết: “Với HS không tham gia học trực tuyến, trên truyền hình, nhà trường tổ chức học trái buổi giúp HS nắm kiến thức cơ bản. Sau khi rà soát lại chương trình, lược bỏ kiến thức được Bộ GD&ĐT tinh giản, thời gian học và ôn tập của lớp 12 không quá cập rập. Chính vì vậy, nhà trường chủ trương vừa dạy học, vừa ôn tập, hệ thống hóa lại các kiến thức đã học, cho HS tiếp xúc với một số dạng đề theo cấu trúc của đề minh họa tập dượt dần”.

Cô Hồ Thị Thảo Sương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Ngoài nhiệm vụ dạy học và ôn tập theo chủ trương học đến đâu ôn thi đến đấy, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên khối 12 còn đồng thời hướng dẫn học sinh làm quen với dạng đề và cách làm bài thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các tổ chuyên môn tham khảo đề thi minh họa để phân tích và ra đề thi thử. Dự kiến nhà trường sẽ tổ chức thi thử cho HS vào đầu tháng 7”. 

Theo cô Sương, kết quả bài kiểm tra học kỳ II của khối lớp 12 theo đề thi chung của Sở GD&ĐT Đà Nẵng vào giữa tháng 6 sẽ được các giáo viên bộ môn phân tích kỹ để các tổ chuyên môn điều chỉnh lại phương pháp, cách thức ôn tập cũng như định hướng lại nội dung ôn tập. Đợt thi thử do nhà trường tổ chức sau kiểm tra học kỳ II nửa tháng cũng là “phép thử” để đánh giá hiệu quả của những điều chỉnh trên và giúp HS lấp “lỗ hổng” cho thời gian ôn thi còn lại.

“Để việc ôn tập hiệu quả, nhà trường quan tâm theo dõi, đánh giá, phân loại học lực HS, có phương pháp ôn tập phù hợp. Giáo viên thường xuyên động viên và có hình thức khen thưởng kịp thời cho những học sinh chăm chỉ học tập tốt; Theo dõi khu ở nội trú, nhắc nhở HS học bài, ngủ đúng giờ, giữ gìn vệ sinh chung và tuân thủ chế độ nghỉ ngơi hợp lý để bảo đảm sức khỏe” - thầy Phạm Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THTP Phạm Phú Thứ cho biết.

Những GV đứng lớp có HS người dân tộc Cơ tu của Trường THPT Phạm Phú Thứ (Hòa Vang, TP Đà Nẵng), ngoài 2 tiết dạy ôn tập trái buổi/tuần cho HS đại trà còn có thêm 2 tiết phụ đạo cho 21 HS ở nội trú tại trường. 

Biết sức của học trò mình đến đâu, mạnh yếu thế nào trong từng môn học là trách nhiệm mỗi GV đứng lớp. Thầy Phan Quốc Duy (GV môn Toán, Trường THPT Trần Phú) kể: Nhóm GV tổ Toán do Sở GD&ĐT triệu tập để tham gia chương trình dạy học qua truyền hình đều theo dõi việc làm bài tập sau mỗi tiết dạy. “Có 2 đường link để HS tải bài tập về làm. Với đường link bài luyện tập của tiết học, HS có điện thoại thông minh chỉ cần quét mã vạch, GV có thể nắm được mức độ hoàn thành, biết các em mất bao nhiêu thời gian để trả lời cho từng câu hỏi”. Đây cũng là căn cứ để GV điều chỉnh tốc độ giảng bài, hướng dẫn HS làm bài tập cho tiết sau – thầy Duy trao đổi.

Những người “gác cửa”

Ban giám hiệu các trường THPT ở Đà Nẵng đều lên kế hoạch để phổ biến Quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng như Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để GV quán triệt, giải thích cặn kẽ với phụ huynh và HS “mới cái gì, không mới cái gì”, phân tích cho phụ huynh thấy điểm thuận lợi trong đổi mới công tác thi và tuyển sinh… “Công tác truyền đạt rất quan trọng. Với cái mới, người tiếp nhận thường có tâm lý phản ứng. Nhưng một khi có đầy đủ thông tin, không bị mơ hồ, phụ huynh và HS sẽ hết hoang mang, lo lắng” – cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Hải Châu, TP Đà Nẵng) thông tin.

Các giáo viên được điều động tham gia công tác thi THPT ở Đà Nẵng đều buộc phải nhớ 5 “quy tắc vàng” trong xử lý các tình huống có thể xảy ra trong khi làm công tác thi: Cần bình tĩnh nắm rõ vấn đề để xử lý; đặt an toàn tính mạng của con người là trên hết; lấy quyền lợi của thí sinh là trên hết; phải phù hợp với quy chế thi; phối hợp với các lực lượng chức năng, không được đơn phương xử lý vấn đề.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, những người tham gia quá trình tổ chức kỳ thi phải nắm vững quy chế, nghiệp vụ. Các kinh nghiệm trong công tác coi thi, tổ chức thi đều phải được lưu ý hết và được nhắc đi nhắc lại trong mỗi kỳ thi cho dù đó có thể là quy định không mới như giám thị không ký nhầm vào ô giám khảo…”. 

Chính vì vậy, kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng là tạo tình huống giả định trong các buổi tập huấn nghiệp vụ thi: Thí sinh quên không mang theo thẻ dự thi; sử dụng mực khác màu để làm bài thi; đề thi bị mờ, nhòe… hay cách bắt thăm phát đề trắc nghiệm, niêm phong bì đựng bài thi, thậm chí đến việc hướng dẫn thí sinh tô số báo danh, mã số đề thi… đều được đưa ra để hướng dẫn, tập dượt kỹ càng.

Một kinh nghiệm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng được áp dụng có hiệu quả những năm qua là in và phát cẩm nang cho cán bộ coi thi như lúc nào phát đề thi, quy trình thu bài, vị trí ký của giám thị trong bài thi… để sử dụng trong suốt kỳ thi, tránh những sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến tâm lý làm bài của thí sinh. Trong tập huấn nghiệp vụ thi, các cán bộ, GV làm công tác thi đều được nhắc đi nhắc lại phải tuân thủ và không được sáng tạo quy chế thi, không được đơn phương xử lý vấn đề và đặc biệt là không được thực hiện các “chỉ đạo miệng”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ