Cử tri tỉnh Nam Định đề nghị Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vai trò, chức năng, nhiệm vụ của trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để các địa phương triển khai thực hiện.
Bộ GD&ĐT cho biết: Trong giai đoạn phát triển trước đây, các trường CĐSP được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên (GV) mầm non, tiểu học và THCS, đáp ứng yêu cầu nhân lực giáo dục của địa phương. Từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, có nhiều thay đổi quan trọng liên quan trực tiếp tới trình độ đội ngũ GV. Cụ thể: GV mầm non phải có bằng tốt nghiệp CĐSP trở lên; GV tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên.
Mục đích chính của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với GV các cấp học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời làm căn cứ để thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo. Do vậy, theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, hiện nay các trường CĐSP chỉ thực hiện đào tạo GV mầm non theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai nghiên cứu sắp xếp tổ chức lại hệ thống trường sư phạm, đưa vào Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và đào tạo GV trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2022. Đây là một mục tiêu quan trọng đảm bảo quy hoạch mạng lưới GV. Triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, trong 3 năm trở lại đây nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội sắp xếp, tổ chức lại các trường CĐSP theo những phương án sau: Sáp nhập, hợp nhất các trường CĐSP với cơ sở giáo dục khác trên cùng địa bàn; Sáp nhập trường CĐSP thành các khoa của các trường ĐH đa ngành tại cùng địa phương hoặc thành phân hiệu của trường ĐH hoặc ĐH khác trong cả nước.
Sau khi sáp nhập, nhiều cơ sở đã hoạt động hiệu quả, đây là định hướng mà Bộ GD&ĐT ưu tiên, khuyến khích triển khai.
Hiện nay, hệ thống còn 23 trường CĐSP, trong đó có 3 trường CĐSP Trung ương thuộc quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT, 20 trường trực thuộc UBND cấp tỉnh/thành phố. Bên cạnh phương án sắp xếp, tổ chức lại như nêu trên, Bộ GD&ĐT cũng đã có giải pháp để góp phần tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo GV hệ cao đẳng và tạo điều kiện để các trường CĐSP phát triển.
Để tận dụng nguồn lực về cơ sở vật chất và đội ngũ GV, các trường CĐSP có thể kiến nghị và đề xuất với địa phương cho phép thành lập trường phổ thông các cấp để thực hiện nhiệm vụ với địa phương, hỗ trợ địa phương trong phát triển giáo dục.
Thực tế đã có một số trường CĐSP được nâng cấp thành trường ĐH nhưng hoạt động kém hiệu quả nên phải đề xuất sáp nhập vào cơ sở GDĐH khác, hoặc tỷ lệ tuyển sinh và nhập học sư phạm thấp. Bộ GD&ĐT cho rằng, việc nâng cấp các trường CĐSP địa phương thành trường ĐH đa ngành ở địa phương phải căn cứ vào tình hình cụ thể từng nơi và không phải là giải pháp khả thi cho mọi trường hợp trong bối cảnh phát triển của GDĐH.
Không những việc thành lập trường ĐH, mà việc duy trì hoạt động và để phát triển tốt cần đầu tư nguồn lực rất lớn, trong khi chúng ta đang cần quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDĐH theo hướng giảm bớt số lượng để tăng chất lượng và hiệu quả, loại bỏ những cơ sở hoạt động kém hiệu quả theo đúng tinh thần của Nghị Quyết số 19-NQ/TW; đồng thời hướng tới đạt được mục đích chính của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với GV các cấp học nêu trên.