Tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chương trình mới

GD&TĐ - Công việc thiết kế nên các chủ đề và tổ chức các hoạt động trải nghiệm là công việc đòi hỏi giáo viên đầu tư nhiều thời gian, công sức và trí tuệ.

Tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chương trình mới

Những chia sẻ của giảng viên Nguyễn Quốc Vương - khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), nghiên cứu sinh về giáo dục Lịch sử tại ĐH Kanazawa (Nhật Bản) - dưới đây sẽ phân nào giúp tháo gỡ khó khăn này. Giảng viên Nguyễn Quốc Vương cũng là chủ biên bộ sách "Hoạt động trải nghiệm" mới ban hành, dành cho học sinh tiểu học được biên soạn theo định hướng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phải hiểu bản chất của hoạt động trải nghiệm

Mặc dù hoạt động trải nghiệm rất phong phú bao trùm nhiều lĩnh vực nhưng khi xây dựng chủ đề cho học sinh tiểu học, giáo viên cần phải đặt ra và căn cứ vào những tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định để xây dựng các chủ đề thích hợp.
Giảng viên Nguyễn Quốc Vương

- Mối quan tâm lớn nhất của các giáo viên là làm sao thiết kế nên các chủ đề và tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở trường tiểu học có hiệu quả. Một số gợi ý của anh về nội dung này?

Công việc trên tuy phần lớn thuộc về phương diện “kĩ thuật” nhưng để làm tốt thì trước hết giáo viên cần phải đọc các tài liệu hướng dẫn có liên quan đến hoạt động trải nghiệm và suy nghĩ để lĩnh hội được những nét cơ bản nhất.

Ví dụ như, nếu giáo viên không hiểu rằng bản chất của hoạt động trải nghiệm là việc tạo điều kiện tối đa để học sinh được “học” bằng cách sử dụng toàn bộ các giác quan, được tác nghiệp, tác động trực tiếp tới đối tượng trong nhiều không gian khác nhau qua đó làm sâu sắc kinh nghiệm, nhận thức, phẩm chất, năng lực của bản thân thì giáo viên rất dễ mắc phải sai lầm khi ép học sinh hoạt đông liên tục để nắm được kiến thức hoặc quan niệm hoạt động trải nghiệm đơn giản chỉ là việc đưa học sinh tới tham quan một nơi nào đó ở ngoài trời thay vì học ở lớp, ở trường.

Lưu ý khi thiết kế chủ đề hoạt động trải nghiệm

- Anh có thể đưa ra những gợi ý cụ thể hơn về công việc thiết kế chủ đề hoạt động trải nghiệm? Tiêu chí và căn cứ xác định chủ đề? Các bước xây dựng chủ đề như thế nào?

Mặc dù hoạt động trải nghiệm rất phong phú bao trùm nhiều lĩnh vực nhưng khi xây dựng chủ đề cho học sinh tiểu học, giáo viên cần phải đặt ra và căn cứ vào những tiêu chí, tiêu chuẩn nhất định để xây dựng các chủ đề thích hợp.

Chẳng hạn, khi xây dựng chủ đề, giáo viên cần phải căn cứ vào các tiêu chí như dưới đây:

Chủ đề phải xuất phát từ mối quan tâm, hứng thú của học sinh;

Chủ đề phải có mối liên hệ mật thiết hoặc xuất phát từ chính cuộc sống, trải nghiệm của học sinh"

Chủ đề phải đảm bảo được sự an toàn của học sinh và giáo viên khi thực hiện;

Chủ đề phải huy động được sự hợp tác giữa giáo viên tổ chức thực hiện chủ đề, người dân, chính quyền địa phương và các giáo viên khác;

Chủ đề phải phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh;

Chủ đề phải có tính hợp lý trong mối quan hệ với mùa và sự sắp xếp chương trình của nhà trường.

Để biết chủ đề dự định lựa chọn, thiết kế có phù hợp với các tiêu chí vừa kể trên không giáo viên cần phải tiến hành quan sát trực tiếp và tiến hành điều tra bằng nhiều hình thức khác nhau cũng như nghiên cứu tài liệu nhiều nguồn để nắm chắc tình hình địa phương, trường học và học sinh.

Ở đó, khảo sát điền dã, điều tra xã hội học, phỏng vấn, trao đổi với phụ huynh, học sinh là những cách làm thông dụng và đạt được hiệu quả cao. Sau khi đã xác định được tiêu chuẩn lựa chọn chủ đề thì bước tiếp theo giáo viên sẽ phải xác định được chủ đề cần thực hiện và xây dựng nó. Công việc này sẽ được tiến hành qua các bước cơ bản sau:

Tìm thiểu, thu thập thông tin có liên quan bao gồm cả thông tin thực địa về chủ đề và việc tổ chức hoạt động trải nghiệm;

Phỏng vấn điều tra học sinh xem học sinh quan tâm đến những vấn đề gì và tại sao lại quan tâm đến những vấn đề đó;

Tham chiếu nguồn lực vật chất, năng lực giáo viên, đặc điểm tâm sinh lý học sinh và điều kiện của nhà trường với thông tin thu thập được để dự kiến được nội dung hoạt động; Xác định chủ đề (đặt tên cho chủ đề);

Viết nội dung và kế hoạch thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm (mục tiêu, nội dung, phương pháp tiến hành, cách thức đánh giá, chuẩn bị của giáo viên, học sinh, phụ huynh, các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài ví dụ như sự hỗ trợ của chuyên gia, nhân viên ở thực địa, phụ huynh học sinh…);

Thảo luận với đồng nghiệp, chuyên gia để chỉnh sửa chương trình; Đến thực địa để quan sát, thí nghiệm, dự kiến các hoạt động đã soạn ra và dự đoán các tình huống bất thường có thể phát sinh để bổ sung và chuẩn bị phương án xử lý;

Hoàn thiện chủ đề và kế hoạch thực hiện chủ đề (viết thành văn bản hoàn chỉnh).

Điều cần đặc biệt lưu ý là khi tiến hành thiết kế các chủ đề, kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, giáo viên cần chú ý cân nhắc sao cho nội dung và phương pháp, quy trình thực hiện phù hợp với thể chất, sức khỏe, tâm lý của học sinh cũng như tình hình thực tế của trường học, địa phương.

Giáo viên trong khi thiết kế chủ đề và lập kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm cũng cần suy nghĩ tới và cố gắng đưa vào một cách linh hoạt, thích hợp những hoạt động như:

Tìm kiếm, điều tra thông tin và tái cơ cấu thông tin, biểu đạt thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau, quan sát, ghi chép, phỏng vấn, điền dã-tham quan, vẽ-tổ chức triển lãm, làm sách, báo, tập san, áp phích, diễn kịch, viết thư, bản kiến nghị, kể -thuyết minh cho người khác nghe…

Nghĩa là giáo viên cần tận dụng tối đa mọi cơ hội để học sinh được sử dụng tất cả các giác quan để thu nhận, tái cơ cấu và biểu đạt thông tin đã thu nhận được dưới nhiều dạng thức phong phú.

Giảng viên Nguyễn Quốc Vương (ngoài cùng bên phải) trao đổi trong buổi ra mắt bộ sách "Hoạt động trải nghiệm"
 Giảng viên Nguyễn Quốc Vương (ngoài cùng bên phải) trao đổi trong buổi ra mắt bộ sách "Hoạt động trải nghiệm"

- Việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm nên được thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả?

 Cho dù là phương pháp nào đi nữa thì mục đích cuối cùng của đánh giá là đo đạc một cách tương đối mức độ đạt được mục tiêu học tập của học sinh để giáo viên tìm ra biện pháp động viên, khuyến khích các em nỗ lực tốt hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa trong việc học tập trải nghiệm.
Giảng viên Nguyễn Quốc Vương

Giáo viên tiến hành tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh theo kế hoạch chi tiết đã vạch ra từ trước. Quy trình tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm có thể được thực hiện bằng các bước sau:

Thứ nhất: Phổ biến trước cho học sinh và những người có liên quan (nhà trường, những người cộng tác, phụ huynh…) về nội dung và kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Thứ 2: Căn dặn học sinh những điểm cần phải đặc biệt chú ý khi tiến hành hoạt động trải nghiệm như các quy tắc an toàn, không làm những việc không liên quan hoặc gây phiền hà cho những người khác…

Thứ 3: Tổ chức hoạt động trải nghiệm theo kế hoạch đã vạch ra.

Thứ 4: Đánh giá tổng kết việc thực hiện tổ chức hoạt động trải nghiệm theo kế hoạch đã vạch ra.

Trong khi thực thiện quá trình này giáo viên cần phải lưu ý một số điều sau:

Tuy tiến hành theo kế hoạch đã đề ra nhưng trong quá trình thực hiện giáo viên cũng cần phải điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế và những tình huống phát sinh ngoài dự kiến.

Cần ghi chép lại nhật kí quá trình thực hiện cũng như những gì đã điều chỉnh, những vấn đề phát sinh, biện pháp giải quyết và kết quả của việc giải quyết đó.

Cần tận dụng tối đa sự hợp tác từ những người ở xunh quanh như các tổ chức trong trường học (Đoàn, Đội, các câu lạc bộ), các giáo viên cùng trường, khác trường, người dân địa phương và các nhà chuyên môn.

Cần lắng nghe và lưu lại những ý kiến phản hồi của học sinh, những người cộng tác khi thực hiện kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm để phục vụ việc điều chỉnh kế hoạch cho năm sau.

Lưu lại hình ảnh, video và tất cả những tài liệu khác có liên quan đến hoạt động trải nghiệm mình tổ chức để tạo thành hồ sơ nghiên cứu.

Viết bản tổng kết về việc thực hiện kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm bản thân vừa tiến hành. Bài viết có thể đem tham dự các hội thảo hoặc công bố trên báo, tạp chí, tập san…

Đánh giá học sinh trong hoạt động trải nghiệm

Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành trong một hoạt động trải nghiệm sáng tạo
 Học sinh Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành trong một hoạt động trải nghiệm sáng tạo

- Hoạt động trải nghiệm trong thực tế là hoạt động có tính thực tiễn cao và lại rất đa dạng, vậy cách đánh giá học sinh nên cần có những lưu ý gì?

Đánh giá học sinh trong hoạt động trải nghiệm vừa giúp giáo viên biết được thông qua quá trình trải nghiệm học sinh đã đạt được mục tiêu đề ra ở mức độ nào vừa giúp đem lại cho giáo viên những thông tin cần thiết để điều chỉnh hoạt động tổ chức, hướng dẫn.

Tuy nhiên, hoạt động trải nghiệm trong thực tế là hoạt động có tính thực tiễn cao và lại rất đa dạng vì vậy giáo viên không nên đánh giá học sinh theo cách thức đánh giá thông thường dựa vào việc kiểm tra tri thức của học sinh thông qua hỏi (kiểm tra miệng) và viết (trắc nghiệm hoặc tự luận).

Để đánh giá mức độ đạt được mục tiêu ở học sinh trong hoạt động trải nghiệm, giáo viên nên áp dụng các phương pháp đánh giá sau:

Thứ nhất: Phương pháp quan sát-lập hồ sơ đánh giá. Trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, giáo viên cần quan sát kĩ học sinh xem các em có hứng thú, quan tâm tới hoạt động trải nghiệm không, quan tâm ở mức độ như thế nào, thể hiện bằng thái độ, hành động nào, học sinh có tò mò khám phá cái mới không?

Giáo viên cũng quan sát để xem học sinh có tích cực tham gia vào hoạt động và hợp tác cùng bạn bè không, có tìm đến giáo viên để hỏi và tìm hiểu các vấn đề bản thân chưa rõ hay muốn biết thêm không. Trong quá trình hoạt động trải nghiệm, học sinh có ghi chép thông tin và thể hiện sự tập trung cao không…

Giáo viên cần phải ghi chép lại thật cụ thể những gì quan sát được ở học sinh và lập hồ sơ để đánh giá từng học sinh dưới dạng nhật kí.

Thứ 2: Phương pháp phỏng vấn. Giáo viên có thể thiết lập một “bảng hỏi” dựa trên các mức độ đạt được mục tiêu học tập của học sinh (giả định trước) và những điều muốn biết, muốn đánh giá ở học sinh để hỏi học sinh. Căn cứ vào các câu trả lời mà học sinh đưa ra, giáo viên có thể đánh giá mức độ đạt được mục tiêu ở học sinh.

Thứ 3: Phương pháp đánh giá sản phẩm. Trong hoạt động trải nghiệm sản phẩm mà học sinh tạo ra rất phong phú. Giáo viên có thể thu thập các sản phẩm này để đánh giá mức độ đạt được mục tiêu của học sinh.

Trong khi đánh giá giáo viên có thể sử dụng độc lập một trong các phương pháp đánh giá ở trên hoặc sử dụng kết hợp tất cả các phương pháp đó.

Tuy nhiên, giáo viên cần phải luôn nhớ rằng cho dù là phương pháp nào đi nữa thì mục đích cuối cùng của đánh giá là đo đạc một cách tương đối mức độ đạt được mục tiêu học tập của học sinh để giáo viên tìm ra biện pháp động viên, khuyến khích các em nỗ lực tốt hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa trong việc học tập trải nghiệm.

Vì vậy, trong đánh giá cần tránh các hành động, lời nói làm tổn thương hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cảm hứng, động cơ học tập của các em.

Giáo viên cũng có thể trao đổi và hợp tác với phụ huynh để đánh giá học sinh từ việc quan sát sự tiến bộ, nâng cao chất lượng đời sống của chính bản thân học sinh trong cuộc sống thường ngày.

"Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất khái quát nhất về công việc này. Trên thực tế, các giáo viên cần căn cứ vào yêu cầu, tình hình cụ thể của địa phương, trường học, mối quan tâm, hứng thú, khả năng của học sinh và năng lực của chính mình để có sự điều chỉnh hay sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn".

Giảng viên Nguyễn Quốc Vương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.
AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.