Tổ chức đào tạo ngoài Hiệp định - giải pháp hữu hiệu trong đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Tổ chức đào tạo ngoài Hiệp định - giải pháp hữu hiệu trong đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

(GD&TĐ) - Thực hiện văn bản ký kết giữa các tỉnh phía bắc - Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với tỉnh Sơn La và văn bản ký kết giữa ngành Giáo dục và Thể thao các tỉnh Bắc Lào và ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sơn La. Từ năm 2001, Trường Cao đẳng Sơn La được tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực giúp 8 tỉnh Bắc Lào (Hủa Phăn, Luông Pha Bang, U Đôm Xay, Bò Kẹo, Luông Nậm Thà, Phong Xa Lỳ, Xiêng Khoảng, Xay Nha Bu Ly).

Thực tế đào tạo nhiều năm đối với người các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La cho thấy tiếng Việt là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng dạy và học. Việc đưa tiếng Việt vào dạy một cách bài bản và hiệu quả đã có không chỉ ở Cao đẳng Sơn La mà các trường đại học, cao đẳng và trung cấp tại tỉnh Sơn La cũng thực hiện tốt. Thế nên, đối với Cao đẳng Sơn La, việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy cho lưu học sinh là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường, hàng năm các lưu học sinh Lào vào trường đều được học tiếng Việt 01 năm. Nhà trường cũng coi đây là điều kiện đủ để lưu học sinh có thể theo học tiếp chương trình chuyên môn tại trường Cao đẳng Sơn La. 

Những lưu hoc sinh Lào đang học tập tại Trường Cao đẳng Sơn La
Những lưu hoc sinh Lào đang học tập tại Trường Cao đẳng Sơn La

Xác định hợp tác đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực giúp cho nhân dân các dân tộc Lào vừa là nhiệm vụ Chính trị vừa là nghĩa tình nên các nhà trường trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tích cực vào cuộc, được nước bạn Lào đánh giá cao. Qua 10 năm đào tạo trường Cao đẳng Sơn La đã tiếp nhận 474 cán bộ, học sinh các tỉnh Bắc Lào sang đào tạo tiếng Việt tại trường Cao đẳng Sơn La và học tập các chuyên ngành tại nhà trường, tại trường Cao đẳng Y Dược, trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật, trường Chính trị tỉnh và trường Đại học Tây Bắc. 

Chỉ riêng tại Trường Cao đẳng Sơn La, tính đến tháng 6/2011, đã có 102 lưu học sinh tốt nghiệp các ngành đào tạo tại trường. Nhiều Lưu học sinh đã phát huy tốt kiến thức học tập và phẩm chất người cán bộ được rèn luyện, sau khi về nước được giữ một số cương vị quan trọng trong các cơ quan, ban ngành trong tỉnh như: Khăm Xi Phỉm Vi Lay - Phó Giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn; Phôn Xa Vẳn - Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế tỉnh Luông Pha Bang; Lat Xa Mỷ - Trợ lý Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao U Đôm Xay...  Những kết quả đạt được trong sự hợp tác giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào, đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đồng thời củng cố, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết hữu nghị của hai nước Việt - Lào anh em.

Tổ chức đào tạo ngoài Hiệp định - giải pháp hữu hiệu trong đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào ảnh 2
Tận tình chỉ bảo cho các em khi làm quen với tiếng Việt

Thực tế cho thấy, như ở Trường Cao đẳng Sơn La, với kinh nghiệm 50 đào tạo, 10 năm dạy tiếng Việt và đào tạo lưu học sinh Lào, với các nguồn lực hiện có của nhà trường (đặc biệt là ký túc xá với 350 chỗ ở dành riêng cho lưu học sinh Lào), với nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đa cấp, bên cạnh việc tích lũy các năng lực chuyên môn và các kỹ năng mềm cần thiết, người học còn được hỗ trợ học các nghề ngắn hạn để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống sau khi ra trường. Bằng việc thiết lập các chính sách hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ các điều kiện học tập và sinh hoạt với phương trâm tạo sự công bằng cao nhất đối với các loại hình đào tạo lưu học sinh. Trường Cao đẳng Sơn La đã và sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để học tập và rèn luyện đối với Lưu học sinh Lào. 

Có thể nói làm nên những thành công trong hợp tác trợ giúp đào tạo cho nước bạn Lào của tỉnh Sơn La có những nỗ lực rất lớn của thầy trò Trường Cao đẳng Sơn La, hiệu quả đạt được là đáng ghi nhận không chỉ ở các cấp quản lý của Việt Nam mà còn của chính quyền, nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc Lào. Tuy nhiên, do kinh phí của địa phương còn nhiều hạn chế nên chỉ tiêu hàng năm dành cho các tỉnh Bắc Lào còn ít (45-75 chỉ tiêu), vì vậy để đáp ứng mục tiêu to lớn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Bắc Lào trong giai đoạn tới còn nhiều việc cần làm. Thiết nghĩ, để giúp kinh tế - xã hội  nước bạn Lào nói chung và các tỉnh Bắc Lào rói riêng phát triển bền vững thì việc giúp bạn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều cần thiết, và  việc tổ chức đào tạo ngoài Hiệp định là một giải pháp hữu hiệu cho việc này. 

                                                                    Th.sĩ Lê Văn Minh

                                                                                 (Trường Cao đẳng Sơn La)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ