TLĐ bảo lưu quyết định cách chức ông Lê Vinh Danh

GD&TĐ - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) vừa thông tin bảo lưu quyết định cách chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) đối với ông Lê Vinh Danh. Quyết định này tiếp tục gây tranh cãi về luật pháp.

Ông Lê Vinh Danh. Ảnh: Như Ý
Ông Lê Vinh Danh. Ảnh: Như Ý

Vi phạm trong quản lý, điều hành

Theo nội dung của Quyết định số 1662 mà Đoàn chủ tịch TLĐ công bố, khi giải quyết khiếu nại của ông Lê Vinh Danh thì quyết định cách chức này là phù hợp vì cho rằng ông Lê Vinh Danh vi phạm trong quản lý, điều hành.

Trước đó trong đơn khiếu nại ngày 27/10/2020, ông Danh đề nghị TLĐ xem xét thành phần Hội đồng kỷ luật. Ông cũng cho rằng mình không vi phạm quy định tại điều 12 Nghị định 27/2012 về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức - nguyên nhân được cho khiến ông bị cách chức.

Tuy nhiên hai nội dung khiếu nại của ông Danh đều bị TLĐ bác vì cho rằng khiếu nại không đủ căn cứ. Cơ quan chủ quản TDTU cho rằng ông Danh vi phạm khi tuyển dụng, bố trí nhân sự không qua tập thể lãnh đạo; đề xuất bổ nhiệm phó hiệu trưởng và 44 trường hợp không có trong quy hoạch... Ông Danh cũng bị cho vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ chưa bảo đảm công khai, minh bạch.

Theo diễn tiến vụ việc, 21/10/2020 Đoàn chủ tịch TLĐ ban hành quyết định thi hành kỷ luật viên chức bằng hình thức kỷ luật cách chức, đến ngày 27/10/2020, ông Lê Vinh Danh đã có đơn khiếu nại, với 2 nội dung về thành phần Hội đồng kỷ luật và cho rằng bản thân người khiếu nại không vi phạm các quy định về xử lý kỷ luật viên chức. Sau khi bị cách chức, ông Danh được điều động tới giảng dạy ở Khoa Tài chính - Ngân hàng của TDTU…

Sau khi nhận đơn khiếu nại của ông Danh, TLĐ đã thành lập đoàn xác minh, tổ chức đối thoại bảo đảm dân chủ, khách quan. Kết quả xác minh cho thấy cả hai nội dung khiếu nại của ông Lê Vinh Danh đều không có căn cứ. Trên cơ sở đó, TLĐ quyết định giữ nguyên quyết định của Đoàn chủ tịch TLĐ về việc cách chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh.

Đến nay, TLĐ không nhận được đơn khiếu nại hợp lệ lần 2 của ông Lê Vinh Danh về vấn đề này. Vì thế, quyết định giải quyết khiếu nại này có hiệu lực sau khi công bố và các bên liên quan có trách nhiệm thi hành.

Có những góc nhìn khác nhau về luật định?

Trong đơn khiếu nại, ông Lê Vinh Danh cho rằng Quyết định kỷ luật ông là thiếu cơ sở pháp lý, không đúng thẩm quyền, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Vấn đề xử lý kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh tại TDTU gây xôn xao dư luận và sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới. Vấn đề này đã tạo ra một cuộc tranh luận giữa các đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. 

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc Công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TPHCM, cho rằng có những vấn đề pháp lý cần được làm rõ trong việc TLĐ ra quyết định kỷ luật đối với ông Lê Vinh Danh. Cụ thể, việc TLĐ ra quyết định cách chức đối với ông Danh là chưa đúng thẩm quyền.  

Đặc biệt, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng về quyết định nhân sự hiệu trưởng, theo quy định tại Khoản 1, Điều 20, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 về hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thì hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018 quy định Hội đồng trường của trường đại học công lập có quyền Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học. 

Về thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng tại Điểm b, Khoản 6, Điều 7 Nghị định 99/2019/NĐ-CP cũng quy định: Sau khi quyết định nhân sự hiệu trưởng, hội đồng trường gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp; trong đó nêu rõ quy trình xác định nhân sự hiệu trưởng theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và các minh chứng kèm theo; sơ yếu lý lịch, văn bản đồng ý của người được đề nghị công nhận hiệu trưởng;. Điểm a, Khoản 6, Điều này có quy định: Trường hợp nhiệm kỳ của hiệu trưởng kết thúc đồng thời với nhiệm kỳ của hội đồng trường thì hiệu trưởng được kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ cho đến khi cơ quan quản lý trực tiếp công nhận hiệu trưởng của nhiệm kỳ kế tiếp, trên cơ sở đề nghị của hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp.

“Như vậy, theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì việc bổ nhiệm hiệu trưởng của trường đại học công lập do Hội đồng trường quyết định, cơ quan quản lý trực tiếp chỉ có thẩm quyền công nhận hoặc từ chối công nhận và phải nêu rõ lý do. Và khi Hội đồng trường hết nhiệm kỳ thì hiệu trưởng được kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ cho đến khi có hiệu trưởng mới do Hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp lựa chọn” - luật sư Nguyễn Thành Công nói. 

Đồng thời LS Công cho rằng, theo quy định tại Quyết định số 30-QĐ/TW ngày 26/07/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện việc kiểm tra đối với: (i) Đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn Đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ Đảng viên; (ii) tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng. 

Trong trường hợp kết quả kiểm tra có vi phạm thì xem xét xử lý kỷ luật về Đảng, độc lập so với hoạt động làm việc, vận hành, điều hành, thực hiện công vụ của Đảng viên tại đơn vị. Do đó, đối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, các thông báo Số 788-TB/UBKTTU ngày 22/7/2020 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Công văn số 1772-CV/TU ngày 14/8/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về một số vấn đề liên quan đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng là các văn bản kiểm tra, kết luận thuộc về tổ chức Đảng, không phải một trong các cơ sở để tạm đình chỉ công tác theo Khoản 2 Điều 43 Nghị định 59/2019/NĐ-CP.

“Như vậy, với các cơ sở nêu trên, có thể đánh giá việc cơ quan quản lý trực tiếp cho rằng mình có đủ thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác chức vụ Hiệu trưởng TDTU là không ổn; rất trái với chủ trương của Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, trái với quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, Nghị định 99/2019/NĐ-CP và cả quy định của Luật Viên chức 2010, Nghị định 27/2012/NĐ-CP, Nghị định 59/2019/NĐ-CP” - LS Công chia sẻ - “Điều này làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quyền lợi, trách nhiệm của chính hiệu trưởng trường này, cũng như việc quản lý, điều hành TDTU ngay tại thời điểm quan trọng là tuyển sinh cho năm học mới, tổ chức khai giảng và tốt nghiệp cho sinh viên khóa cũ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.