Giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp?

GD&TĐ - Chiều 29/9, trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Phạm Đình Phú (anh của TS Phạm Đình Quý) cho hay, sáng cùng ngày ông đã đến Công an tỉnh Đắk Lắk để mua và gửi một số đồ dùng cá nhân cho ông Quý.

 TS Phạm Đình Quý. Ảnh: IT
TS Phạm Đình Quý. Ảnh: IT

Đồng thời, ông Phạm Đình Phú cũng cung cấp thông tin 2 văn bản của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo về việc Bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp (văn bản ký ngày 25/9 và ngày 29/9). Theo thông tin ông Phú cung cấp, văn bản thông báo này ông nhận trực tiếp từ Công an tỉnh Đắk Lắk, còn văn bản thông báo mà công an gửi về nhà theo đường bưu điện thì gia đình vẫn chưa nhận được.

Bị tạm giữ liên quan tội vu khống?

Theo văn bản thông báo của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk thông báo về việc Bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì ông Phạm Đình Quý (sinh năm 1981) - giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, đã vi phạm vào Điều 156 Bộ luật Hình sự, hiện đang bị tạm giữ tại Trại giam Công an tỉnh Đắk Lắk.

Trước đó, ngày 28/9, một cán bộ phụ trách nhân sự của TDTU cho hay, đến thời điểm hiện tại nhà trường vẫn chưa nhận được thông báo nào từ phía công an trong việc tạm giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý - giảng viên Khoa Khoa học Thể thao của trường. Trong khi, ông Phú cho hay gia đình đã mời luật sư từ Hà Nội vào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Quý.

Được biết ngày 25/9, ông Phạm Đình Phú có đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan, tổ chức về việc ông Phạm Đình Quý bị công an bắt. Cụ thể, trong đơn kêu cứu, ông Phú viết theo thông tin sinh viên báo, gia đình được biết khoảng 18 giờ ngày 23/9, em trai ông là Phạm Đình Quý cùng vợ mới cưới đang đi ăn trên đường D1, gần Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trước sự chứng kiến của nhiều người, em trai và em dâu của ông “bị khống chế và vây bắt do công an thực hiện”.

Cùng bị công an tạm giữ với ông Quý có ông Hoàng Minh Tuấn (trú Cư Kuin, Đắk Lắk). Theo đó, công an mời ông Quý và ông Tuấn làm việc vì có liên quan đến vụ án vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, đã được khởi tố vào ngày 19/9.

“Bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp” khi nào?

Liên quan đến tình huống “Bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp”, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, tình huống này chia làm 2 giai đoạn để đánh giá.

Giai đoạn 1 là giữ người khẩn cấp theo Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người: (a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; (b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; (c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Do đó cần phải xem đối tượng có thuộc 1 trong 3 căn cứ điều này không.

Giai đoạn 2 là bắt, như vậy phải xem công an có căn cứ để bắt người không? Nếu cho rằng không có cơ sở thì đối tượng hoặc gia đình có quyền khiếu nại với công an là giữ người khẩn cấp theo căn cứ nào của Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015?

Theo TS Bùi Kim Hiếu, Khoản 1 Điều 109 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh”.

Khoản 2 Điều 109 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định “Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ”.

Theo thông tư số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018, nếu giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì trong hồ sơ phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh rõ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

Trường hợp bắt người theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 là hành vi của tội vu khống, mà tội này có khung hình phạt cao nhất cũng chỉ từ 7 năm tù. Đối chiếu Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 thì người có hành vi phạm tội nặng nhất cũng chỉ là tội nghiêm trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ