Mang chuyện nhà lên mạng xã hội
“Dạo” một vòng trên mạng xã hội, trong vô số hội nhóm được thành lập thì “Hội ghét mẹ chồng”, “Hội mẹ chồng nàng dâu”, “Hội tâm sự Eva”… có lượng người tham gia đông đảo. Đây dường như là “căn cứ địa” để chị em “xả” những bức xúc, mâu thuẫn của mình. Và hầu hết, nó được bắt đầu từ việc sống chung.
Nhiều chị em sẵn sàng chia sẻ mọi mâu thuẫn trong gia đình trên các hội nhóm này. Từ việc ở chung khiến khó chịu ra sao đến bực mình khi không dạy con theo cách của cá nhân như thế nào. Nhiều chị ức chế vì ở chung khiến chồng lười, chỉ nghe theo lời bố mẹ, tình cảm “đi xuống”… Những cảm xúc được vô tư truyền đi và được “bồi đắp” thêm từ những khán giả không quen khiến câu chuyện có thể căng thẳng hơn.
Nhưng đến một ngày, chính chị em cũng phải bất ngờ khi con mình là thành viên tích cực trong nhóm “Mệt mỏi vì cha mẹ”. Giống như các chị, đó là nơi để các bạn trẻ, những học sinh được bày tỏ bức xúc mà không ai quát mắng.
Chỉ khi đọc được những dòng chia sẻ của con, cha mẹ mới hiểu khi bản thân không dung hòa được mối quan hệ khi sống chung nhiều thế hệ, thì người bức xúc không chỉ riêng mình. Thậm chí, ông bà của các con cũng có những nỗi niềm riêng mà chẳng thể dùng mạng xã hội để giải tỏa.
“Sinh ra trong một gia đình Việt Nam gồm ba thế hệ chung sống, là con út từ bé đã chứng kiến những bất đồng giữa các thế hệ. Giữa ông bà nội và bố mẹ, giữa bố mẹ và con cái. Sống chung đã khiến mình được trải nghiệm những bất đồng đó.
Trong cơn lửa giận của sự tranh cãi, bằng cách nào đó, mỗi người trong cuộc đều tự làm tổn thương bản thân. Và sau khi cơn giận nguôi ngoai, mình tự hỏi điều gì đã khiến những người yêu thương nhau phải làm tổn thương nhau nhiều như thế”. Đó là chia sẻ của một bạn trẻ về việc sống chung nhiều thế hệ trong gia đình và những mâu thuẫn thường xuyên xảy ra.
Theo bà Nguyễn Hồng Liên (nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội bà mẹ trẻ em), khoảng cách thế hệ và mâu thuẫn gia đình là điều không thể tránh khỏi. Việc nhận thức được hệ quả và tác hại của nó sẽ giúp các gia đình có biện pháp rút ngắn khoảng cách và dung hòa các thế hệ.
Lý do mà mọi người thường hay dùng để giải thích cho những bất đồng trong gia đình là “tình yêu quá lớn” hay “khoảng cách thế hệ”. Nhiều người vin vào đó để bình thường hóa tranh cãi trong gia đình nhưng quên mất rằng nó có hậu quả rất nặng nề.
Việc không xử lý tốt những mâu thuẫn trong gia đình có thể để lại hậu quả cho sự phát triển tâm lý của con trẻ. Điều đó gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình.
Mỗi thế hệ cần học cách “bỏ qua”
Mỗi thế hệ thường cách nhau 20 đến 30 năm. Đó là khoảng thời gian đủ cho một lớp người có ý thức đầy đủ về bản thân. Đồng thời hình thành nên thế hệ tiếp theo. Thế hệ sau được nuôi dưỡng trong ý thức cũng như mong mỏi của thế hệ đi trước sẽ tự định hình những giá trị riêng của mình.
Những giá trị riêng này phụ thuộc vào sự thay đổi trong hình thái xã hội hay xu thế thời đại. Tuy nhiên vẫn gắn kết với thế hệ cũ thông qua dòng chảy huyết thống cùng các giá trị bản sắc văn hóa gia đình và dân tộc.
Bố mẹ nào cũng muốn con mình có cuộc sống tốt đẹp. Nhưng đôi khi lại không biết làm cách nào mà chỉ dạy con, thậm chí còn áp đặt con mình. “Chúng ta yêu con của mình nhưng lại không hoàn toàn tôn trọng cuộc sống của chúng. Từ đó dẫn đến sự xa cách về mặt thế hệ và làm cho con trẻ cảm thấy bố mẹ không hề hiểu mình” – bà Liên nói.
Bà Liên cho rằng, sinh con là bản năng. Nuôi dạy con cần kỹ năng. Bản thân bố mẹ cũng cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng làm bạn với chính con của mình. Đặc biệt trong thời điểm trẻ không thể đến lớp và đang phải phụ thuộc quá nhiều vào Internet. Những chia sẻ, tâm sự bất mãn về gia đình khi sống chung sẽ khiến trẻ dễ gặp phải những “cú lừa” trên không gian mạng.
Chính vì không gian Internet rất khó kiểm soát và ngăn chặn, nên phụ huynh hãy làm bạn với con, chia sẻ và trao đổi quan điểm với con mình để xem con nhìn nhận thế nào. Từ đó, cha mẹ sẽ có những định hướng và hướng dẫn chúng cách phân biệt tốt xấu để tự bản thân con trẻ biết cách phòng tránh nội dung độc hại cho bản thân. Tuyệt đối không nên áp đặt vì sẽ tạo sự phản kháng từ trẻ và làm vấn đề trầm trọng hơn. Quan trọng là cần giúp trẻ xây dựng nội lực bản thân để tránh cạm bẫy.
Nếu được sống trong môi trường tích cực, trẻ sẽ có hành vi và lời nói tích cực và ngược lại. Vì vậy, hãy giúp các con tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp đỡ người khác và các hoạt động hướng đến sự yêu thương, sự chia sẻ và cho đi. Những hành động hướng con tham gia các cộng đồng, dự án của lứa tuổi học trò cũng khiến cha mẹ nhìn lại bản thân mình mà sống tích cực hơn.
Mỗi thế hệ, cần tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình có dịp trò chuyện, chia sẻ với nhau về những suy nghĩ, mong muốn về tương lai, về cuộc sống, gia đình. Nhờ đó, các thành viên có thể hiểu nhau, đồng cảm và hòa hợp với nhau hơn.
“Nếu thế giới bên ngoài đã quá khó khăn và mệt mỏi, việc giữ lửa trong mỗi gia đình sẽ giúp các thành viên tìm được động lực, mục tiêu để phát triển trong xã hội. Đặc biệt, họ sẽ luôn có một mái ấm trong tim để luôn muốn trở về. Vì vậy, mỗi thế hệ cần bỏ qua những điều nhỏ nhặt khiến bạn không hài lòng, bởi con người ai cũng có khuyết điểm. Ai cũng sẽ phạm phải sai lầm và chính bạn cũng như thế. Nên nói chuyện, tâm sự để giải tỏa những hiểu lầm không đáng có”, bà Liên nhấn mạnh.