Gia đình - cái nôi hình thành nhân cách

GD&TĐ - Từ cái nôi gia đình, trẻ được rèn luyện và hình thành nhân cách. Những bài học về các giá trị đạo đức nền tảng chính là những nội dung kiến thức văn hóa đầu tiên mà trẻ được tiếp cận.

 Ảnh minh họa. Nguồn: INT.
Ảnh minh họa. Nguồn: INT.

Nên dạy gì cho trẻ?

Tùy quan niệm, mỗi gia đình thường có ưu tiên không giống nhau về lựa chọn dạy đạo đức hay dạy kiến thức văn hóa trước cho trẻ.

“Tôi luôn chú trọng dạy cho con kiến thức về xã hội và tiếp cận kiến thức các môn văn hóa. Vì tôi nghĩ, khi con học hành giỏi giang, đầu óc thông tuệ ắt sẽ biết phân biệt phải - trái, đúng – sai. Khi trẻ được dạy biết đọc, biết viết sớm, chúng có thể tự đọc thêm kiến thức trong sách vở với rất nhiều nội dung bố mẹ cần dạy, đặc biệt các nội dung giáo dục đạo đức, lễ nghi, ứng xử”, chị Minh Thư (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nêu quan điểm.

Ngay từ khi bé Sun lên 2 tuổi, chị Minh Thư đã ý thức hướng con tiếp cận kiến thức học thuật: Làm quen với các con số, bảng chữ cái, sau đó học ghép vần một cách rất nghiêm túc. Bởi vậy, khi được khoảng hơn 3 tuổi, bé Sun nhà chị đã thuộc hết các mặt số, mặt chữ cái. Lên 5 tuổi, bé tính nhẩm trong phạm vi 100 đã thành thạo và biết đọc truyện.

“Bé Sun rất ổn về nhận thức nhưng ý thức và kỹ năng có vẻ hơi đuối nên cả gia đình đang rất tập trung để rèn cho con những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị vào lớp 1. Gần 6 tuổi nhưng cháu có thói quen ra khỏi nhà hay lấy đồ ăn trong tủ lạnh không xin phép người lớn, giày dép, quần áo hay đồ chơi thường xuyên bỏ bừa bãi, tranh giành với anh chị em, thường xuyên nói leo và chen ngang câu chuyện của người khác,… Mỗi lần đưa con đến chơi nhà bạn bè tôi rất e ngại cháu quấy phá. Thực lòng, tôi bắt đầu thấy lo lắng về vấn đề dạy kiến thức đạo đức nền tảng cho con” – Chị Minh Thư phàn nàn.

Theo TS Nguyễn Tuyết Minh – Dự án “Những đôi mắt” (The Myriad Eyes): Gia đình có 3 vai trò vô cùng quan trọng: Môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người; Nơi chuẩn bị hành trang cho trẻ bước vào đời; Nhịp cầu với nhà trường và xã hội. Bởi vậy, giáo dục đạo đức phải xuất phát từ gia đình và ưu tiên từ gia đình. Mức độ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc dạy dỗ, định hình nhân cách của trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ, đặc biệt trẻ trong độ tuổi vị thành niên.

“Giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em trong gia đình, cung cấp cho các em những quy tắc ứng xử đúng mực, phân biệt đúng và sai mà không bị ép buộc bởi người khác, giúp các em trưởng thành, trở thành các cá nhân tốt và có ích cho xã hội. Sự rèn luyện theo “nếp nhà” là hành trang theo trẻ đi muôn nơi.

Các bậc cha mẹ cần lưu ý, vai trò quan trọng nhất của gia đình chính là dạy đạo đức, tác phong, kỹ năng cho trẻ. Còn vấn đề rèn văn hóa thuộc về nhiệm vụ chính của nhà trường” - TS Nguyễn Tuyết Minh nhấn mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: INT.

 Ảnh minh họa. Nguồn: INT.

Nền tảng để trẻ trưởng thành

Phẩm chất đạo đức cá nhân là nền tảng giúp trẻ trưởng thành và phát triển. Các giá trị đạo đức cũng được các gia đình dạy dỗ trong suốt quá trình trưởng thành của các em.

Theo TS Vũ Thu Hương – Trung tâm Kỹ năng Cá Siêu Quậy: Đạo đức là phần gốc của nhân cách, của văn hóa cá nhân, cần rèn luyện từ rất sớm. Chiếm lĩnh kiến thức văn hóa là câu chuyện của phần ngọn, có thể học bất cứ khi nào cần. Trong gia đình, các giá trị truyền thống luôn cần được chú trọng giáo dục, rèn luyện. Ngay từ nhỏ, trước khi tiếp cận các kiến thức văn hóa, trẻ cần được dạy về đức tính thật thà, trung thực, tiết kiệm, lòng nhân ái, sống lành mạnh, gọn gàng; cũng như được giáo dục đức tính tự trọng, tự tin, tự lực và ý chí vươn lên.

Việc dạy dỗ, rèn luyện những phẩm chất trong ứng xử với người xung quanh luôn được ưu tiên, đặc biệt mối quan hệ trong gia đình, hiếu thảo, biết ơn ông bà, cha mẹ, kính trên nhường dưới, thương yêu anh chị em trong gia đình thường được quan tâm hơn cả. Bên cạnh đó, biết quan tâm, chia sẻ, tôn trọng người khác, hay lịch sự, tế nhị trong giao tiếp cũng được các gia đình đề cao và giáo dục cho con cái.

Cũng theo TS Vũ Thu Hương: Về giáo dục các giá trị đạo đức cho trẻ, các gia đình cần quan tâm đến sự phù hợp và tính hiệu quả ở nhiều độ tuổi và cấp học khác nhau. Đối với trẻ từ bậc tiểu học, gia đình hãy nhắc nhở, dạy bảo các em về giữ gìn nền nếp, đức tính khoan dung hay lịch sự. Đối với trẻ ở bậc mầm non, các gia đình thường tập trung dạy dỗ các em lòng biết ơn, tuân thủ quy tắc cơ bản, lễ phép với người lớn.

Cần nói thêm rằng, những giá trị đạo đức cốt lõi rất cần được cha mẹ dạy trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ để định hình sự phát triển tính cách.

TS Nguyễn Tuyết Minh cho rằng: Kim chỉ nam mà các bậc cha mẹ cần ghi nhớ khi dạy con hàng ngày là câu nói Bác Hồ từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng/ Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, đồng thời nhất trí quan điểm chú trọng dạy đạo đức cho trẻ trong gia đình của TS Vũ Thu Hương.

Theo TS Nguyễn Tuyết Minh, trong gia đình, cha mẹ hãy quan tâm dạy con một số kiến thức đạo đức nền tảng như: Tính trung thực, thật thà; Lòng biết ơn; Biết chia sẻ và bao dung; Biết tuân thủ quy tắc; Tôn trọng người khác;…

Những giá trị đạo đức này đòi hỏi bố mẹ phải kiên trì dạy bảo trẻ theo cách “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể mong chờ kết quả trong ngày một, ngày hai. Trở thành người hướng thiện, có đạo đức tốt sẽ giúp con luôn là đứa trẻ có trái tim ấm áp, biết sẻ chia và tinh tế về cảm xúc. Điều này tạo thêm những thuận lợi và thiện cảm với những mối quan hệ xã hội trong tương lai. Và chính cha mẹ sẽ là những người cảm nhận rõ nét nhất thành quả dãy dỗ của mình khi con ngày một khôn lớn, trưởng thành.

“Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những thanh niên sinh ra và lớn lên trong một gia đình có sự gắn bó cao giữa các thành viên thường có lối sống lành mạnh và có nhiều cơ hội phát triển. Chính vì vậy, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ phải bắt nguồn từ việc thay đổi, điều chỉnh quan hệ ứng xử trong gia đình, tạo dựng mối quan hệ bền chặt thông qua việc các thành viên giúp đỡ nhau lúc khó khăn, đối xử công bằng, tôn trọng và chia sẻ trách nhiệm” - TS Nguyễn Tuyết Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ