Tính ưu việt của nền giáo dục xứ “dầu cọ”

GD&TĐ - Tôi đã đến xứ sở dầu cọ công tác ba lần, mỗi lần trở lại đất nước này luôn để lại trong tôi những kỷ niệm về sự thay đổi, đặc biệt là về giáo dục (GD). Hệ thống GD Malaysia bao gồm GD từ mẫu giáo đến bậc ĐH. Trong đó, GD phổ thông là bắt buộc (GD tiểu học và trung học được miễn phí), bậc tiểu học kéo dài 6 năm, THCS ba năm, THPT hai năm và hai năm ở bậc sau trung học...  

Tháp đôi Petronat – biểu tượng của Malaysia
Tháp đôi Petronat – biểu tượng của Malaysia

Một đất nước năng động và thân thiện

Đất nước Malaysia có tổng diện tích 330.000 km2, dân số khoảng 27 triệu người – trong đó 80% là người Hồi giáo. Malaysia được chia làm 2 phần: một phần là bán đảo (bán đảo Malaysia), phía Bắc giáp Thái Lan, phía Đông giáp biển đông, phía Nam giáp eo biển Singapore, phía đông giáp eo biển Malacca; phần còn lại là hải đảo, gồm hai bang Sabah và Sarawak ở phía Bắc đảo Borneo, giáp Brunei và Indonesia. Hai phần này được chia tách nhau bởi biển đông.

Khí hậu Malaysia gần giống với khí hậu ở TPHCM – ngày nắng nóng, chiều tối mát mẻ, nhiệt độ dao động từ 24-34 độ C. Giờ Malaysia trước một tiếng so với giờ Việt Nam, chính vì vậy giờ làm việc tại các công sở, các trường học được bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, cũng như giờ mở cửa của các cửa hàng và siêu thị cũng muộn hơn rất nhiều (10 giờ sáng, đến 23 giờ đêm).

Malaysia được đánh giá là một trong những đất nước năng động, thân thiện và ổn định hàng đầu Đông Nam Á. Đặc biệt, kinh tế tăng trưởng rất bền vững và ổn định về chính trị đã giúp đất nước này trở thành một trong những quốc gia giàu có hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Malaysia còn được nhiều người biết đến bởi có những rừng cọ xanh mướt thẳng cánh cò bay, cùng tòa tháp đôi Petronas cao 452m với 88 tầng bằng bê tông cốt thép có khả năng chịu lực cực cao. Đây là một biểu tượng của sự phồn thịnh và niềm tự hào của người dân Malaysia.

Đến với đất nước của xứ sở dầu cọ chúng ta còn được chứng kiến mạng lưới giao thông hiện đại, với những con đường cao tốc có từ 3- 4 làn xe chạy với tốc độ 110km/h. Điều làm nhiều người ngạc nhiên hơn cả đó là tuy tuyến đường dài hàng trăm km, với các phương tiện chạy nối đuôi nhau, nhưng đặc biệt không hề nghe thấy bất cứ một tiếng còi hay cảnh chen lấn, vượt ẩu như ở… Việt Nam.

Một điều nữa cũng để lại ấn tượng mỗi lần quay lại Malaysia, đó là những khu rừng nguyên sinh luôn xanh mướt ở tất cả các thành phố mà tôi đã từng đặt chân đến. Dọc theo các con đường cao tốc, những khu dân cư là những cánh rừng trùng trùng điệp điệp, xanh ngút ngàn trải dài nối tiếp nhau.

Đặc biệt, những khu hành chính, chung cư, biệt thự, khu dân cư hay các nhà thờ… dù mang phong cách Á Đông hay châu Âu nhưng đều được bố trí, xây dựng một cách khoa học và nằm xen kẽ trong các cánh rừng nguyên sinh.

Quy hoạch ở Malaysia rất bài bản, khu trung tâm hành chính, trường học, trung tâm thương mại và du lịch hay khu dân cư đều được tách biệt nhau và cấu trúc của mỗi khu cũng được quy hoạch cụ thể theo văn hóa truyền thống của con người nơi đây…

GD Malaysia đặt mục tiêu cao nhất cho việc phát huy khả năng sáng tạo và ứng dụng trong thực tiễn của HS, SV (HS của trường thể thao Bukit Jalil)
  • GD Malaysia đặt mục tiêu cao nhất cho việc phát huy khả năng sáng tạo và ứng dụng trong thực tiễn của HS, SV (HS của trường thể thao Bukit Jalil)

GD được đặt lên hàng đầu

Nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững như vậy nên hệ thống GD của Malaysia cũng rất hoàn hảo và luôn đặt mục tiêu cao nhất để HS, SV phát huy được hết khả năng của mình. Giáo dục Malaysia được quản lý bởi Bộ GD thuộc Chính phủ Liên bang.

Tất cả trẻ em của đất nước này bắt đầu đến trường từ năm 3 tuổi ở bậc học mầm non. 7 tuổi sẽ vào tiểu học, và bậc tiểu học ở Malaysia kéo dài 6 năm. Ở Malaysia có 2 kiểu trường tiểu học, một là do Nhà nước điều hành, một là do Chính phủ hỗ trợ. Các trường quốc gia dùng tiếng Malaysia làm ngôn ngữ dạy học, các trường quốc gia dùng cả hai tiếng Trung Quốc và Tamil làm ngôn ngữ để giảng dạy.

Hiện Malaysia đang được xem là một trong những quốc gia có chương trình GD hiện đại hàng đầu, các nội dung học được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời mang tính thực tiễn cao. Bộ GD nước này nhấn mạnh đến các chương trình học cần phải linh hoạt và đa dạng, qua đó giúp HS, SV phát huy được hết khả năng và niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học… từ đó tạo ra những tài năng, sáng tạo, cũng như lực lượng có tay nghề và kiến thức cao.

Những năm qua, cùng với những dự án phát triển kinh tế, chính trị Chính phủ Malaysia đã dồn mọi nguồn lực để đổi mới nền GD để phát triển mạnh mẽ tiềm năng của mỗi cá nhân một cách toàn diện và tích hợp nhất nhằm tạo ra những công dân có trí tuệ, tinh thần từ đó phát triển hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần đối với thế hệ trẻ.

Đặc biệt, Malaysia rất quan tâm đến vấn đề đào tạo thế hệ trẻ mang tính toàn cầu theo 6 thuộc tính cơ bản là: Tri thức – Kỹ năng tư duy – Kỹ năng lãnh đạo – Thành thạo ngoại ngữ - Đạo đức tinh thần và Bản sắc văn hóa. Bởi theo quan điểm của người đứng đầu đất nước này, tất cả học sinh ở mức độ GD cơ bản phải làm chủ được các môn học như: Toán, Khoa học và được học những kiến thức cơ bản về lịch sử con người – địa lý Malaysia, châu Á và thế giới; khuyến khích phát triển tri thức về kỹ năng trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao…

Sở dĩ Malaysia chú trọng vấn đề này là bởi nền GD trong quá khứ của họ đã làm cho học sinh ít có khả năng trong việc áp dụng tri thức, tư duy một cách logic và hệ thống GD vốn đã quá lệ thuộc vào cuộc sống thực.

Bởi vậy, người đứng đầu ngành GD Malaysia đã khẳng định rằng, trẻ em phải sử dụng thành thạo tiếng phổ thông và tiếng Anh là ngôn ngữ dùng trong giao tiếp. Điều đó có nghĩa, tất cả học sinh khi rời khỏi ghế nhà trường phải có khả năng làm việc trong môi trường tiếng Malaysia và tiếng Anh. Ngoài ra, cũng khuyến khích tất cả các HS, SV ngoài tiếng Anh cần học thêm một ngoại ngữ khác...

Không chỉ trong khu vực châu Á và trên thế giới, nền GD Malaysia luôn được đánh giá cao về chất lượng. Chính phủ cũng như ngành GD không ngừng nỗ lực để có thể đưa GD nước này đến với thế giới. Những khoản ngân sách lớn được bỏ ra nhằm mục đích đưa những kiến thức, công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đến với HS, SV. Bởi vậy, trong những năm gần đây, các cơ sở GD của Malaysia không chỉ chú trọng vào việc đào tạo HS, SV trong nước mà họ còn xây dựng được hình ảnh nền GD của mình trong cộng đồng thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ