Tình trạng ngập úng ở các đô thị do mất dần ao hồ

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh, mất dần ao hồ là một trong những nguyên nhân gây ngập úng ở các đô thị.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận).
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận).

Sáng 4/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) phản ánh thực trạng ngập úng ở các đô thị do mất dần ao hồ.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này.

Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thừa nhận quá trình đô thị hóa làm biến mất ao hồ là nguyên nhân gây úng ngập.

Công tác quy hoạch chưa bài bản, chưa có đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, mật độ xây dựng quá lớn khiến nước khó thoát. Hệ thống thoát nước chưa đảm bảo khi mưa lớn cũng là nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Theo Bộ trưởng, quy hoạch hiện nay chủ yếu là phát triển đô thị, hạ tầng dịch vụ, dân cư. Vì vậy, cần nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các thành phố, nhất là ở Hà Nội và TPHCM.

Liên quan tình trạng thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án quan trọng, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng giải pháp dùng cát biển thay thế cũng nên được cân nhắc tới. Tuy nhiên, việc triển khai đại trà khi chưa được đánh giá đầy đủ sẽ gây ra tình thế "đánh cược với môi trường".

Đại biểu Trần Kim Yến đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh).

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc cung cấp đủ cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án đường cao tốc rất khó khăn.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan cùng nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện, Bộ GTVT đã thí điểm sử dụng cát biển trong san lấp xây dựng đường giao thông.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển. Bộ đã hoàn thành đề án đánh giá trữ lượng ở khu vực tỉnh Sóc Trăng.

Theo đánh giá, trữ lượng có thể lấy ngay được là 145 triệu m3, cách đất liền 20km; thân mỏ có chiều sâu 7m. Thế nhưng, Bộ khuyến cáo, chỉ lấy sâu 2m để giảm tác động môi trường.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, cát biển khi được sử dụng phải đảm bảo yêu cầu về nguyên tắc không gây nhiễm mặn trong khu vực xung quanh dự án. Bộ Xây dựng sẽ xây dựng quy chuẩn đối với việc sử dụng cát biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ